Minh bạch vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp
Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hùng Hải, ông Nguyễn Hùng thừa nhận: Với các DNVVN, để vay được nguồn vốn ngân hàng là điều rất khó. Bởi, vấn đề tài sản bảo đảm là một trong những tiêu chí hàng đầu, trong khi đó, rất ít ngân hàng chấp thuận hàng hóa nguyên liệu trong kho của công ty làm tài sản bảo đảm vay vốn. “Điều này, gần như đồng nghĩa với việc DNNVV không thể vay vốn của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp”, ông Nguyễn Hùng nói.
 |
Sản xuất tại Công ty TNHH Trường Phúc Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên). |
DNNVV hiện chiếm 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, là khu vực có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả cho vay đối với DNNVV vẫn còn nhiều bất cập. Năm 2017, tỷ lệ dư nợ cho DNNVV chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến thời điểm hiện tại, các DNNVV đều cho rằng vốn chính là trở ngại chính, vẫn có đến 61% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn. “Có nhiều nguyên nhân khiến DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn, nhưng nguyên chính hiện nay là cơ chế chính sách vốn cho DNNVV vẫn thiếu. Bởi, việc các ngân hàng cho vay vẫn dựa chủ yếu trên thế chấp tài sản của DN; cho vay bằng phương án sản xuất kinh doanh, ý tưởng sáng tạo chưa thực sự được áp dụng như nhiều nước trên thế giới. Về phía DN, sự thiếu minh bạch trong quản trị là điểm yếu lớn nhất và cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng thiếu niềm tin với DNNVV”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng DNNVV còn hạn chế trong tiếp cận vốn tín dụng, trước hết xuất phát từ chính những hạn chế nội tại của DNNVV. Như quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị DN bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu thiếu chính xác; thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản bảo đảm… Bên cạnh đó, chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ DN của các bộ, ngành, địa phương. Một số tổ chức tín dụng còn thiếu kinh nghiệm trong thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực mới, còn nặng về tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Phát huy vai trò của các quỹ tín dụng
Để khơi thông nguồn vốn cho DNNVV, theo chuyên gia kinh tế, trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Cấn Văn Lực, cần có sự phối hợp của 3 bên: Chính phủ, DN và các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đối với các tổ chức tín dụng, cần thiết kế các sản phẩm, quy trình tín dụng đặc thù, phù hợp hơn đối với DNNVV; phát triển hình thức cấp tín dụng theo chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hợp tác với các quỹ (nhất là Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển DNNVV, các quỹ tài chính quốc tế…) để chia sẻ thông tin, kết nối DN. Về phía DN, cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, nâng cao chất lượng quản trị DN, quản lý rủi ro; đặc biệt, nên có chuyên viên chuyên sâu về quản lý tài chính/vốn… Về phía cơ quan Nhà nước, cần triển khai hiệu quả, đồng bộ Luật Hỗ trợ DNNVV và các chính sách hỗ trợ đã ban hành; đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Bảo lãnh DNNVV và Quỹ Phát triển DNNVV. Song song với đó, cần phát triển cân bằng thị trường tài chính (nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư…) để tạo kênh dẫn vốn đa dạng cho DNNVV.
Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Thị Hồng phân tích, trên thực tế, ở giai đoạn khởi nghiệp, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi… nên ngân hàng và các tổ chức tín dụng rất khó có thể hỗ trợ DN ở những giai đoạn đầu. Khi DN đi vào giai đoạn phát triển bền vững, ngân hàng mới tham gia vào hỗ trợ DN... Do đó, ở giai đoạn đầu, DN rất cần sự tham gia hỗ trợ của các quỹ, các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm. “Mỗi quỹ hay tổ chức tín dụng sẽ có những tiêu chí lựa chọn riêng, nhưng nhìn chung DN muốn gọi được vốn trước hết phải chứng minh được tính khả thi cũng như hiệu quả từ dự án kinh doanh của mình”, bà Hoàng Thị Hồng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: MINH ĐỨC