8h sáng nay (25-3), tại ĐH Quốc gia Hà Nội (144 Xuân Thủy), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có buổi đối thoại với thanh niên cả nước. Buổi đối thoại này được truyền hình trực tiếp trên VTV1, phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tường thuật trực tuyến bởi 8 báo điện tử và website trong nước.

6h00 sáng, phóng viên các báo đài đã có mặt để làm các thủ tục trước khi vào hội trường chuẩn bị máy móc để tác nghiệp.

6h35, trước hội trường của ĐH Quốc gia Hà Nội, bạn trẻ là đại diện tiêu biểu của lực lượng sinh viên, bộ đội, trí thức... cả nước đã chờ sẵn để chuẩn bị vào bên trong hội trường tham gia buổi đối thoại trực tiếp với vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước.

BTC cho biết, có khoảng70 cơ quan truyền thông báo chívới hàng trăm phóng viên có mặt để làmcông tác đưa tin…

Lấy chủ đề chính là "Tuổi trẻ Việt Nam chủ động, sáng tạo, hội nhập và phát triển", nội dung của cuộc gặp gỡ đối thoại hôm nay sẽ xoay quanh các vấn đề:

- Xây dựng niềm tin, bồi đắp lý tưởng cho thanh niên, sinh viên trong giai đoạn hiện nay;

- WTO - cơ hội, thách thức và hành động của thanh niên, nhất là trí thức trẻ và sinh viên;

- Khoa học công nghệ - chìa khóa để hội nhập và phát triển;

- Nghề nghiệp và việc làm của SV, chính sách trọng dụng nhân tài;

- Những yêu cầu đặt ra đối với thanh niên, trí thức trẻ và sinh viên trong quá trình hội nhập và phát triển, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý trẻ giỏi, công chức trẻ giỏi, nhà khoa học, văn hóa trẻ giỏi, nhà doanh nghiệp trẻ giỏi...

Theo BTC, trong số hàng ngàn câu hỏi gửi về cho Chủ tích nước, bạn đọc không chỉ quan tâm đến các vấn đề liên quan đến thanh niên như việc làm, các chính sách hỗ trợ các bạn trẻ lập nghiệp… mà BTC còn nhận được rất nhiều câu hỏi với những trăn trở về các vấn đề đang rất nóng hiện nay như: tham nhũng, thủ tục hành chính, đất đai…

Không chỉ đặt câu hỏi đối thoại với Chủ tịch nước, nhiều bạn trẻ còn mạnh dạn gửi thư về đóng góp những ý tưởng, sáng kiến… mà qua đó có thể giúp các bạn trẻ, thanh niên Việt Nam sống tốt hơn, vươn lên làm giàu, lập nghiệp cống hiến nhiều hơn cho xã hội và tự làm giàu cho bản thân.

7h20, trước cổng vào Hội trường - hàng đoàn dài các bạn trẻ trong các trang phục như áo dài, váy... đang xếp hàng để lần lượt vào hội trường. Lúc này, không khí trong hội trườngđã trở nên rất nóng, tất cả đã sẵn sàng để chờ đón Chủ tịch nước. Sự háo hức, phấn chấn xen lẫn chút hồi hộpthể hiện trên khuôn mặt của tất cả các bạn trẻ. Nhiều người đến muộn chậm chân không còn ghế ngồi đã tình nguyện đứng.

7h45, không khí trong hội trường đã rất sôi động khi tiếng nhạc ca khúc Hành khúc tuổi trẻ vang lên cùng tiếng hát của khoảng 700 đại biểu thanh niên sinh viên cùng cất lên.

Phát biểu cảm tưởng trước giờ giao lưu với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, bạn Huỳnh Thị Phượng - Viện khoa học xã hội Việt Nam cho biết: "Trong buổi đối thoại hôm nay, tôi rất vui và vinh dự. Tôi cảm thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tam đến giới trẻ và tạo ra cho chúng tôi nhiều cơ hội mới trong thời đại mới. Trong cuộc làm việc này các bạn trẻ có rất nhiều câu hỏi, thế nhưng đối với riêng tôi, tôi có một nguyện vọng: hiện nay Nhà nước có rất nhiều chính sách dành cho thanh niên, thế nhưng làm sao những chính sách ấy càng ngày càng thiết thực hơn, đặt biệt đối với vấn đề nghề nghiệp, vànhà ở cho thanh niên".

Còn bạn Thạch Ngọc Khanh làsinh viên năm nhất Học viện quân Y tâm sự: "Đây là lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp gỡ Chủ tịch nuớc. Tôi rất tự hào và đây sẽlà lần kỷ niệm nhất trong đời tôi. Đây cũng là động lực để chúng tôi - những người trẻ vươn tới trong tương lai”.

7h45,Chủ tịch nước đã có mặt tại ĐH Quốc gia Hà Nội, ngay sau đó Chủ tịch di chuyển tới phòng họp lớn, trước khi vào Hội trường chính để giao lưu với các bạn trẻ.

Đúng 8h, Chủ tịch nước cùngđoàn cán bộ lãnh đạo bước vào hội trường trong tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt của cả hội trường. Sau khi Chủ tịch và các lãnh đạo đi cùng an tọa, 2 biên tập viên - dẫn chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam làm nhiệm vụ của mình: giới thiệu nội dung, mục đích, ý nghĩa của buổi giao lưu.

Ngay sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình, rất nhanh chóng - thể hiện tác phong làm việc dứt khoát và... rất thanh niên của mình, Chủ tịch có bài phát biểu. Chủ tịch bày tỏ sự xúc động, phấn khởi khi tham gia buổi đối thọai này. Nói với các bạn trẻ, Chủ tịch nhấn mạnh sự nghiệp đổi mới của đất nước 20 năm qua, ngoài sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, lực lượng thanh niên đã có sự đóng góp lớn và quan trọng. Qua đó, Chủ tịch cũng nhắc nhở thanh niên cần phải nhận thức rõ hơn nữa vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và tiếp tục phát triển đất nước. Để buổi giao lưu thực sự có hiệu quả, Chủ tịch lưu ý thanh niên trao đổi trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch, câu hỏi đầu tiên đã được gửi đến Ban tổ chức để chuyển cho Chủ tịch. Phần giao lưu bắt đầu:

Bạn Nguyễn Linh Giang đến từ Viện khoa học xã hội Việt Nam là người đầu tiên đứng lên đặt câu hỏi với Chủ tịch nước."Kính thưa Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ ngành. Tôi thay mặt cho các bạn đoàn viên Viện Khoa học Xã hội Việt Nam xin có câu hỏi: Thanh niên Việt Nam rất sáng tạo và có nhiều ý tưởng mới mẻ. Vậy làm thế nào để thanh niên chúng tôi để có một diễn đàn thừơng xuyên để đóng góp những ý tưởng của mình cũng như hiến kế cho đất nước?".

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Thanh niên ngày nay được sống trong điều kiện có thể nói là hết sức thuận lợi so với thế hệ cha anh đi trước. Tuy đất nước ta còn nghèo, khó khăn nhưng những điều kiện cho thanh niên hoạt động hiện nay cũng rất phong phú. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Đoàn thanh niên và toàn xã hội đang tạo ra rất nhiều điều kiện, rất nhiều diễn đàn để cho thanh niên có thể trao đổi cũng như cống hiến và trưởng thành. Những diễn đàn đó ở trong các trường học, ở trong các câu lạc bộ, các nhà văn hóa, các cuộc hội nghị, các trung tâm kinh tế lớn... Chúng tôi xin mời các đồng chí và các bạn tham gia vào tất cả các diễn đàn đó, những lĩnh vực mà mình quan tâm.

* Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên: Kính thưa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cho tôi xin đại diện cho doanh nghiệp gửi câu hỏi đến Chủ tịch. Trong vấn đề hội nhập và phát triển của đất nước thì doanh nhân được xem là những chiến sĩ xung kích của thời bình. Trên thực tế mà nói thì nội lực, nội tại của doanh nhân VN hiện nay đang rất cần nhiều điều cần phải suy nghĩ từ năng lực, học hỏi cho đến trí thức, đòan kết và những chiến sĩ này cũng chưa được sự ủng hộ một cách hiệu quả của hệ thống chính trị cũng như cộng đồng. Trong khi những khái niệm hiện nay rất là mới về biên giới mềm, quyền lực mềm thì các quốc gia khác cho rằng, hàng hóa của họ đến đâu, văn hóa của họ đến đâu thì biên giới của họ đến đó. Xin Chủ tịch cho biết hiện nay về mặt quản lý Nhà nước và hệ thống chính trị sẽ làm gì cụ thể để hỗ trợ phát hiện và ủng hộ đội ngũ này để họ hoàn thành sứ mệnh mà dân tộc giao phó trong tình hình mới?

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Em Vũ thân mến, tôi rất vui mừng trước câu hỏi của em. Hiện nay đất nước chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập ngày càng sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực. Đòi hỏi đội ngũ cán bộ chúng ta, bộ máy của chúng ta và kể cả các nhà doanh nghiệp phải cố gắng nâng mình lên theo yêu cầu của tình hình mới. Đối với các nhà doanh nghiệp, tôi chia sẻ. Chúng ta là những nhà doanh nghiệp mới ra biển lớn nên còn có nhiều khó khăn so với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Vì vậy, Đảng và Nhà nước chúng ta trong quá trình hội nhập cũng có những chủ trương, chính sách để từng bước đưa các doanh nghiệp của mình có thể sánh vai với người ta. Đặc biệt là tạo những điều kiện để tiếp cận với môi trường đầu tư thương mại của thế giới, Nhà nước cũng sẽ cung cấp nhiều thông tin, tổ chức ra nhiều dịch vụ, nhiều cụôc trao đổi để anh em có dịp tiếp cận sâu hơn với các đồng nghiệp trên thế giới để từ đó học hỏi kinh nghiệm của người ta và phát huy thế mạnh của mình. Nhà nước cũng tiếp tục đào tạo đội ngũ doanh nghiệp này. Lâu nay chúng ta chưa quan tâm nên hầu như họ tự trưởng thành, tự bơi là chính.

Hiện nay chúng ta phải nhận thức rằng các doanh nghiệp cũng cần cập nhật thông tin, phải được hướng dẫn cụ thể, được đào tạo bồi dưỡng những vấn đề cần thiết trong quá trình hội nhập này.

Tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp, nếu thấy những vấn đề gì mà mình có nhu cầu chính đáng thì chúng ta cũng đề xuất để Đảng và Nhà nước tiếp cận với những nhu cầu đó, góp sức cùng các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Xin chúc em và các doanh nghiệp của chúng ta ra biển lớn nhưng vững tay chèo và đến đích an tòan thắng lợi.

* Bạn Nguyễn Anh Tuấn - Đài tiếng nói Việt Nam: Xin kính chào Chủ tịch nước và xin kính chào các lãnh đạo các Bộ, ngành. Thưa Chủ tịch nước, thanh niên chúng tôi luôn xác định sống có lý tưởng nhưng thực tế hiện nay có nhiều bạn trẻ đang băn khoăn trong việc xác định lý tưởng của mình. Xin Chủ tịch nước hãy cho chúng tôi một lời khuyên: làm thế nào để tìm ra lý tưởng và thực hiện ý tưởng của mình?

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tôi rất thú vị và cũng rất suy nghĩ về câu hỏi của bạn. Như chúng ta đã biết, đất nước của mình nhiều năm bị nước ngoài xâm lược. Đất nước chúng ta phải trải qua nhiều bước thăng trầm torng lịch sử. Lý tưởng của thời kỳ này là mọi thanh niên, nhân dân VN đều yêu nước, chống xâm lược nhưng từ khi có Đảng Cộng sản VN ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, sự dìu dắt của Đoàn thanh niên, đối với lớp thanh niên thì lý tưởng của thanh niên, của nhân dân VN chính là lý tưởng của Đảng, của Đoàn, lý tưởng này cao hơn lý tưởng trước là nó không chỉ yêu nước, giải phóng dân tộc mà còn tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản, xây dựng một thế giới không còn người bóc lột người. Một lý tưởng hết sức cao đẹp! Vì vậy, tôi nghĩ rằng lý tưởng của thanh niên không có gì khác hơn lý tưởng của Đoàn, lý tưởng của Đảng. Các em có đồng ý như vậy không?

Nhưng mà cũng xin nói thẳng thắn rằng nếu có ai đó còn băn khoăn về điều này thì hãy là một người thanh niên tốt, hãy lao động sáng tạo, hãy học tập, hãy rèn luyện, hãy yêu thương đồng bào của mình. Đó cũng là những nét đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân nhân ta đang cần. Xin chúc cho các em thực hiện lý tưởng của mình một cách thành công nhất!

* Chủ tịch nước có câu hỏi với giới trẻ: "Hoài bão, ước mơ của các em là gì, các em đã đạt được chưa, các em đã làm gì để đạt được ước mơ của mình?"

- Lê Xuân Thành - Giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội: Vấn đề hoài bão của thanh niên nói chung, bản thân tôi nói riêng là làm sao làm cho đất nước phát triển bằng hoặc hơn các nước, trước tiên là trong khu vực ASEAN, tiếp đến là tầm vóc châu lục. Mơ ước một mức phát triển sánh ngang nước Nhật. Đạt được điều này sẽ không chỉ là niềm tự hàocủa riêng thanh niên mà còn của người dân cả nước. Cá nhân tôi, tự thấy mình đã luôn phấn đấu để đóng góp sức lực của mình trong học tập, nghiên cứu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cá nhân mình. Bản thân tự nhận thấy đã đạt được 60% hoài bão cá nhân, vì vậy cũng tự thấy còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Xin có câu hỏi với Chủ tịch và Bộ trưởng GD-ĐT: Băn khoăn một vấn đề: Trong khi SV các nước nếu được nhận học bổng thì có thể yên tâm học tập, không phải lo đến vấn đề kinh tế trang trải cho cuộc sống và học tập. Tuy nhiên SV Việt Nam, kể cả những người được nhận học bổng lọai A thì cũng chưa thể đạt được. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập, nghiên cứu của lực lượng trí thức trẻ. Nhà nước và bộ ngành liên quan có phương án gì để quyết vấn đề này?

- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Trong lịch sử giáo dục của đất nước ta, gia đình và xã hội - cụ thể là các cá nhân, tổ chức hảo tâm đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ việc học của con em nói riêng và giới trẻ nói chung. Về phía Nhà nước cũng đã có chính sách tăng mức học bổng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, những nỗ lực này thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Bộ GD-ĐT đang có đề án về việc cho SV vay để học. Chủ trương của Nhà nước là có thể mất một phần từ số vốn đầu tư này nhưng vẫn tiến hành thực hiện. Bộ dự kiến tháng 5 tới sẽ có cuộc gặp các nhà hảo tâm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục từ năm 1990 đến giờ, qua đó tuyên dương các đối tượng này đồng thời động viên họ phát huy trên tinh thần đóng góp để đưa đất nước Việt Nm tiến lên thông qua sự hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục. Tôi mong lực lượng thanh niên sinh viên hãy giữ vững ý chí và đóng góp nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.

* Thanh niên Việt Nam hiện nay rất năng động và sáng tạo trong quá trình phấn đấu và vươn lên để trở thành thanh niên tiêu biểu rất cần sự tin tưởng sẵn sàng giao nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Xin Chủ tịch nước trả lời cho chúng tôi là những thanh niên thành tâm điểm của đất nước. (Nguyễn Đắc Vinh, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên)

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Vấn đề này có vô vàn những trang sách đã đặt vấn đề và đã phân tích kỹ. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói bất hủ: "Đất nước ta thịnh hay suy là phần lớn nhờ công của thanh niên". Đảng, Nhà nước và nhân dân ta lúc nào cũng xem trọng vai trò vị trí của thanh niên và đánh giá cao sự cống hiến của thanh niên và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thanh niên lập thân, lập nghiệp. Tôi xin khẳng định với với các đồng chí và các bạn thanh niên là không có gì thay đổi. Càng ngày niềm tin đó càng khẳng định hơn nữa là thanh niên là rường cột của nước nhà, là tương lai của đất nước, là người xây dựng xã hội ở Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn nhưng đồng thời bên cạnh đó, tôi nhắc nhở thanh niên phải học tập, phải rèn luyện, phải phấn đấu, phải sống sao cho xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, của Nhà nước.

Xin chúc các em vững bước tiến lên và mọi sự thành công đang chờ ở phía trước.

* Trong những năm qua Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách để thu hút nhân tài, nhưng thực trạng còn nhiều sinh viên Việt Nam đi du học và đào tạo nước ngoài lại ở lại làm việc tại nước sở tại. Trong khi Nhà nước đang rất cần nguồn nhân lực này? Vậy các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước có suy nghĩ gì về thực trạng này? (Trần Lệ Thủy, du học sinh Ô-xtrây-li-a)

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Tôi khẳng định rằng Đảng và Nhà nước hiện nay đang tạo những điều kiện tốt nhất để cho thành niên học tập ở trong nước và đi du học ở nước ngoài với mong muốn là các em học tập về để xây dựng đất nước. Nhưng vì lý do nào đó các em chưa thể qua trở về xây dựng đất nước thì tôi nghĩ cũng không sao. Các em cứ bình tĩnh, các em cứ đóng góp ở nước ngoài, học tập thêm kinh nghiệm, đến lúc nào đó các em thấy có điều kiện về để đóng góp, để xây dựng đất nước thì Tổ quốc cũng giang tay đón các em.

* Thưa Chủ tịch nước, thưa lãnh đạo các Bộ - Ngành. Nãy giờ các bạn trẻ đã hỏi rất nhiều vấn đề Đảng và Nhà nước đã làm gì cho thanh niên, nhưng bây giờ cháu muốn hỏi sinh viên, thanh viên phải làm gì để cống hiến cho đất nước? Cháu muốn hỏi là Đảng và NN có ký vọng không và kỳ vọng như thế nào về lớp trẻ và các đồng chí lãnh đạo có lời khuyên gì cho lớp trẻ ứng cử vào đại biểu quốc hội? (Phùng Thị Thu Hà - Sở Xây dựng Hà Nội)

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Nói về vị trí, vai trò của thanh niên thì đã rõ. Đảng và NN tin cậy, kỳ vọng vào lớp trẻ thì cũng đã rõ. Bây giờ vấn đề là lớp trẻ phải chứng tỏ mình cho xứng đáng với kỳ vọng đó. Tôi tin rằng lớp trẻ có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, thông minh để thực hiện thành công kỳ vọng đó. Các bạn sắp đến có thể tham gia vào các lĩnh vực khác, riêng Quốc hội thì chúng ta biết không quy định tuổi tác, chỉ trừ người dưới 21 tuổi không đủ tiêu chuẩn ứng cử. Cho nên, trong Quốc hội có đủ màu cờ sắc áo, lớn tuổi có, nhỏ tuổi có, vừa vừa có, đầy đủ các thành phần trong xã hội. Như vậy, tuổi trẻ chỉ có một tỷ lệ nhất định. Vì vậy, tôi mong tuổi trẻ hãy tự tin, đồng thời cũng phải khiêm tốn học hỏi, góp sức mình một cách cao nhất cho Quốc hội. Xin cám ơn em Hà.

- Thu Hà: Chúng cháu cũng rất hy vọng rằng tuổi trẻ kết hợp với kinh nghiệm của những người đi trước, Quốc hội 12 sẽ chèo lái con thuyền Việt Nam đáp ứng nguyện vọng kinh tế chính trị xã hội của đất nước.

* Kính thưa đồng chí Nguyễn Minh Triết và các đồng chí đại diện các bộ, ngành. Chúng ta hiện nay nói rất nhiều đến vấn đề hội nhập. Đối với thanh niên, phải chuyển hóa được hội nhập là gì. Làm thế nào để chúng ta chuyển hóa một cách nhanh nhất để hội nhập thành công? (Nguyễn Cẩm Hằng, đại diện Bộ Công an).

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Để hội nhập thành công, có rất nhiều yếu tố nhưng mà tôi nghĩ yếu tốt cực kỳ quan trọng đó là trí tuệ và bản lĩnh. Bản lĩnh và trí tuệ quyết định sự thành công trong quá trình hội nhập của chúng ta. Vì vậy tôi mong rằng kể cả lớp trẻ cả những người lớn tuổi đều phải trao dồi nâng cao trình độ bản lĩnh của mình, trí tuệ của mình để góp sức tham gia hội nhập và tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ hội nhập thắng lợi. Với bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, thì chúng ta sẽ thành công và chắc chắn sẽ thành công.

* TP Đà Nẵng vừa thí điểm việc thi tuyển chức danh lãnh đạo. Việc này đã tạo điều kiện cho giới trẻ có cơ hội thể hiện năng lực của mình, rất được giới trẻ và người dân ủng hộ. Đảng và Nhà nước có chủ trương cụ thể gì cho vấn đề này? (Trần Vũ Duy Mẫn - Đà Nẵng)

- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: Việc thi tuyển công chức, chức danh lãnh đạo, theo quy định, phải trải qua một quy trình. Tuy nhiên, việc Đà Nẵng vừa thí điểm việc tuyển chọn giáo viên tham gia quản lý qua việc thi tuyển chức danh lãnh đạo là một hướng tốt. Bộ Nội vụ đang có chủ trương ngoài việc tuyển công chức, đề bạt cán bộ theo quy định, sẽ có hướng tạo điều kiện cho người trẻ có năng lực có cơ hội thi tuyển để trở thành công chức, chuyên viên... vượt quy trình. Hy vọng với chủ trương này tổ chức thanh niên sẽ đóng góp nhiều người giỏi tham gia đóng góp cho đất nước.

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Việc thi tuyển theo đúng quy định là cần thiết. Tuy nhiên, một cán bộ nhà nước không thể chỉ giỏi về nghiệp vụ mà cần phải có tâm. Vì vậy, bên cạnh việc chọn người, ngoài việc căn cứ vào kết quả thi tuyển cần phải có biện pháp kiểm tra xem người ứng cử có đủ cái tâm để có thể đảm nhận tốt chức trách ứng cử chưa? Cái tài không đi liền tâm thì chưa đạt.

* Thưa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các lãnh đạo bộ ngành, các sinh viên đang học tập trong nước, họ đạt được rất nhiều kết quả tốt, trình độ chuyên môn có, nhưng tấm bằng mà họ sau khi ra trường có được chưa được nước ngoài đánh giá cao, vậy xin hỏi Chủ tịch nước và các bộ trưởng bao giờ và làm thế nào tấm bằng VN được quốc tế công nhận. (Lê Thu Hà, ĐH Nông nghiệp I)

- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Cám ơn sự quan của bạn về vấn đề này, nhưng trước hết tôi xin nhấn mạnh rằng không có một tổ chức quốc tế nào đứng ra công nhận bằng cấp của các nước trên thế giới. Chính xác hơn bằng cấp của chúng ta có được các trường của quốc tế công nhận hay không ? Ngay trong một nước bằng cấp của các trường cũng đã khác nhau, trong 313 trường đại học cao đẳng của nước ta bằng cấp cũng khác nhau. Hiện nay học sinh tốt nghiệp đại học trong nước vẫn có thể ra nước ngoài học lên thạc sĩ, tốt nghiệp thạc sĩ vẫn có thể học lên tiến sĩ. Quan trọng là do các trường quốc tế đó có công nhận và kiểm tra chúng ta hay không.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện đề xuất 4 phương án cải thiện chất lượng giáo dục, nâng chất bằng cấp của ngành giáo dục trong tương lai:

- Nâng cao trình độ giáo viên. Hiện nay ở nước ta trong 100 giảng viên chỉ có 13 người là tiến sĩ, 1 giáo sư. Trong khi bình quân ở nước ngoài là 90 tiến sĩ khoảng 30 đến 40 người là giáo sư. Bộ đang bàn với các trường là trình chính phủ đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ trong 15 năm tới.

- Nâng chất lượng các chương trình đào tạo bằng kinh nghiệm trong nước và kinh nghiệm nước ngoài.

- Hoàn thiện cơ sở vật chất các ngành nghề đạo tạo.

- Chấp nhận cho các trường đối tác đánh giá chất lượng đào tạo của chúng ta.

* Đinh Xuân Tùng - Đại diện cho khối dân vận: Kính thưa Chủ tịch nước, thưa lãnh đạo các bộ, ngành. Xin Chủ tịch nước cho biết là để giữ được bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập, và phát triển hiện nay thì vấn đề nào là quan trọng nhất?

- Ông Lê Doãn Hợp - Bộ trưởng Bộ VH-TT: Văn hóa trong thời kỳ hội nhập là cực kỳ quan trọng. Tôi xin được khái quát đến mức ngắn nhất, nếu muốn hội nhập một cách thành công thì chúng ta phải dang 2 tay ra với thế giới bên ngoài. Tay thứ nhất là kinh tế và biểu hiện quan trọng nhất của kinh kết là sức mạnh của các doanh nghiệp (DN), nếu các DN mạnh thì sức hội nhập kinh tế của chúng ta sẽ thành công. Và tay kia là chính trị, biểu hiện tế nhị nhất và trọn vẹn nhất của chính trị là văn hoá. Nói tóm lại, nếu chúng ta lo tốt cho DN và văn hoá thì chúng ta sẽ thành công. Trong đó, về vấn đề văn hoá thì chúng ta thấy: thứ nhất là văn hoá ứng xử, điều đó được thực hiện qua nếp sống cũng như sức thu hút và lan toả của nó. Thứ 2 là văn hoá gia đình, nền tảng của văn hóa là gia đình, nếu các bạn trẻ nghiên cứu về lịch sử thì biết, khi cha ông nói đến văn hoá thì không lúc nào không nói đến gia đình và cái việc quan tâm đến gia đình chính là việc quan tâm đến nền tảng xã hội. Thứ 3 là văn hoá dân tộc bao gồm văn hoá các vùng miền. Nếu chúng ta lo tốt 3 vấn đề văn hoá trên thì chúng ta sẽ lo tốt vấn đề hội nhập.

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đất nước ta trải qua nhiều năm chiến tranh cực kỳ gian khổ, nhưng chúng ta vẫn giành thắng lợi được, suy cho cùng là do văn hoá. Văn hoá đó là cái gì? Chúng ta lấy ít mà đánh số đông, lấy yếu đánh mạnh mà giành thắng lợi, điều đó mới lạ. Mà đó chính là turyền thống văn hoá dân tộc, truyền thống đoàn kết, truyền thống ý chí quật cường, một lòng một dạ vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cho nên chúng ta phải phát huy giữ mãi truyền thống này. Bao nhiêu năm gian khổ như vậy chúng ta cũng giữ được nên tôi tin rằng trong thời kỳ hội nhập này chúng ta vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình.

* Bạn Thanh Phú, Q.5, TP.HCM (đang theo dõi qua truyền hình tại Nhà Văn hóa Thanh niên, TP.HCM): Chúng ta đã có chiến lược phát triển thanh niên, trong đó tập trung vào đội ngũ nhân lực trẻ, tuy nhiên trên thực tế kết quả vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đảng và Nhà nước có chính sách nào để phát triển và khuyến khích nguồn nhân lực?

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ là một chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập. Như các đồng chí và các bạn biết, nếu chúng ta hội nhập mà không có một nguồn nhân lực, một đội ngũ khoa học kỹ thuật, những nhà kinh doanh giỏi thì chúng ta không thể thành công. Vì vậy, nhu cầu cao nhất của chúng ta là tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để chúng ta có một nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường đào tạo trong nước và khuyến khích đào tạo ở nưởc ngòai bằng những nguồn không chỉ có bằng học bổng, mà từ cá nhân, gia đình nếu có điều kiện cũng có thể cho con em đi học.

Các cơ quan, các tổ chức có thể bằng nhiều cách cử người đi học để nâng cao trình độ cho cơ quan mình. Rồi Nhà nước dành ngân sách nhiều hơn, hằng năm tăng hơn nữa ngân sách đào tạo để đào tạo với số lượng được nhiều hơn. Đồng thời, chúng ta mở rộng khả năng đào tạo trong nước, hiện chúng ta đang ở Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đây, là một trường có truyền thống lâu đời nhưng được Đảng và Nhà nước đầu tư trong thời gian gần đây để mà nâng cao khả năng đào tạo, tiếp cận với trình độ khu vực. Trên đây là một số chủ trương, chính sách mà trên cơ sở đó mà các ngành, các cấp và cả các địa phương cũng trên cơ sở này thực hiện, cũng dành nguồn ngân sách thích ứng, tăng cường nguồn đào tạo nhân lực cho địa phương mình. Tôi tin rằng với sự cố gắng này với những chủ trương chính sách hiện có thì chúng ta sẽ có một đội ngũ nhân lực đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Xin cám ơn các bạn.

* Kính thưa đồng chí Nguyễn Minh Triết và các đồng chí đại diện các bộ, ngành. Chúng ta hiện nay nói rất nhiều đến vấn đề hội nhập. Đối với thanh niên, phải chuyển hóa được hội nhập là gì. Làm thế nào để chúng ta chuyển hóa một cách nhanh nhất để hội nhập thành công ? (Nguyễn Cẩm Hằng, đại diện Bộ Công an)

- Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: Để hội nhập thành công, có rất nhiều yếu tố nhưng mà tôi nghĩ yếu tốt cực kỳ quan trọng đó là trí tuệ và bản lĩnh. Bản lĩnh và trí tuệ quyết định sự thành công trong quá trình hội nhập của chúng ta. Vì vậy tôi mong rằng kể cả lớp trẻ cả những người lớn tuổi đều phải trao dồi nâng cao trình độ bản lĩnh của mình, trí tuệ của mình để góp sức tham gia hội nhập và tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ hội nhập thắng lợi. Với bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, thì chúng ta sẽ thành công và chắc chắn sẽ thành công.

* Nguyễn Văn Nhân - Đoàn xã Nam Hồng (H.Đông Anh, Hà Nội): Chủ tịch làm Bí thư Đoàn từ năm 40 tuổi, Chủ tịch có thể kể một kỷ niệm thời làm công tác đoàn của mình.

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đầu năm 1960 tôi học ở Sài Gòn, tham gia phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn - Gia Định, sau này ra vùng giải phóng. Sau năm 1975 tôi về cơ quan T.Ư Đoàn, công tác ở đó hơn 20 năm. Tôi có nhiều kỷ niệm. Công tác Đoàn có nhiều khó khăn, nhưng rất vui. Trong quá trình đấu tranh, chúng tôi từng bị địch bắt, bị đánh đập, bị lạc đơn vị... Tôi kể ra đây 2 kỷ niệm vui. Kỷ niệm thứ nhất là vào năm 1984, tôi làm Bí thư T.Ư Đoàn, một lần về Đắk Lắk công tác, đó là một xã anh hùng của tỉnh. Do giao thông trục trặc, tôi đến muộn hơn so với dự kiến, thấy nhân dân địa phương đã tập trung rất đông để chờ đón. Người dân rất vui mừng khi đoàn về đến, tuy nhiên cũng hơi bất ngờ vì "ông Trung ương" quá nhỏ con (không giống như hình dung của bà con). Kỷ niệm thứ hai là cũng vào khoản năm 1984, tôi đi công tác ở Liên Xô. Thời đó chúng ta còn khó khăn lắm, tôi đi một mình. Cũng do trục trặc máy bay nên tôi đến trễ hơn giờ hẹn, người đón đã về. Giữa đêm (1 giờ đêm Mạc Tư Khoa), khả năng ngoại ngữ Nga thì "i tờ", không có một đồng tiền trong túi, phải khó khăn lắm để có thể "nói" với taxxi đưa về, và phải nhờ người ở cơ quan thường trực của Đoàn trả tiền. Sau đợt đó về, tôi nói với các đồng chí ở T.Ư Đoàn: Nghèo gì thì nghèo, khi anh em đi công tác cũng phải cho ít tiền "dằn" túi, chứ đi đến xứ người mà chẳng có một đồng trong túi, thật quá khó khăn!

* Rất vinh dự cho tuổi trẻ cả nước, chúng cháu hôm nay được các bác trên ban lãnh đạo dành cho chúng cháu buổi gặp gỡ hôm nay. Cháu xin thưa với bác. Muốn phát triển khoa học công nghệ thì phải cần rất nhiều yếu tố trong đó thị trường khoa học công nghệ đóng một vai trò rất quan trọng, cháu xin hỏi đến khi nào thì nước ta có thị trường khoa học công nghệ? (Nguyễn Văn Quý, đại diện Học viện Chính trị)

- Ông Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ: Tôi xin cảm ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho chúng tôi có buổi gặp gỡ hôm nay, với thanh niên và trí thức trẻ đối với tôi là một vinh dự. Tôi xin khẳng định thị trường công nghệ rất quan trọng trong sự phát triển công nghệ của một quốc gia. Nó quan trọng ở chỗ, nó tạo ra một không khí cung cầu thực sự của các nhà sản xuất kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác đối với các nhà nghiên cứu. Tức là đặt ra được một cái cầu rất là lớn mà bản thân các nhà khoa học, nếu không có cầu ấy thì không có cơ hội để trực tiếp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển xã hội, phát triển văn hóa của đất nước. Cái cầu ấy cũng chính là cái chất của thị trường. Những cán bộ khoa học trẻ thích sáng tạo, với khát vọng phải làm được nhiều cho công việc ấy.

Thị trường khoa học công nghệ tạo cầu kích thích khả năng cung ứng thị trường đó có kẻ mua người bán. Thị trường hàng hóa của công nghệ là gì và làm thế nào để có nhiều hàng hóa. Trong thời gian vừa qua tạo nền tản pháp lý, Quốc hội chúng ta, đích thân đồng chí chủ tịch nước đã phê duyệt những luật rất quan trọng làm nền tảng pháp lý cho sự phát triển thị trường công nghệ đó là Luật Sở hữu trí tuệ. Luật này rất quan trọng giúp sở hữu những sản phẩm quan trọng của cộng đồng các nhà khoa học. Những sản phẩm có giá trị phải được định giá. Luật thứ hai cũng rất chính Chủ tịch nước đã ký là Luật Chuyển giao công nghệ thừa nhận giúp bảo hộ hàng hóa phải được định giá. Chuyển giao công nghệ đặt ra một quy thức về định giá và đưa ra những quy thức ngoài thị trường. Tôi xin trả lời câu hỏi của đồng chí, tiền tệ là cái mà chúng ta đã dùng rất nhiều năm nay. Thị trường tiền tệ mới xuất hiện ở nước ta trong vòng hai mươi năm gần đây. Tiển tệ chứng khoán cũng được đưa ra và đặt vấn đề và khi ra đời sàn giao dịch chứng khoán ở TP.HCM cách đây 7 năm. Thị rường công nghệ còn rất non trẻ, số lượng hàng hóa còn rất ít. Làm sao để số lượng tăng lên thì bản thân tôi chưa thể làm gì được.

* Doãn Trung Tuấn, Đại diện Đoàn viên khối Công nghiệp Hà Nội: Kính thưa bác Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành. Thực hiện chủ trương nghị quyết Trung ương 3 khóa 9 về việc đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng thời gian qua bộ mặt các doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi rất nhiều, sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao doanh thu, đời sống ngừơi lao động nói chung ổn định... Tuy nhiên, thực tế hiện tại trong các doanh nghiệp nhà nước người lao động, nhất là người lao động trẻ không có điều kiện để mua cổ phiếu, điều đó tạo điều kiện cho một số cá nhân thu gom cổ phiếu. Vậy Đảng và Nhà nước có chủ trương và giải pháp nào để không biến quá trình cổ phần hóa thành tư nhân hóa ?

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Đây là một câu hỏi rất là thú vị và cũng rất là khó, khó lắm đó các bạn. Hiện nay chúng ta biết rằng Đảng và Nhà nước đang có chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước chúng ta biết đó là một quá trình nhiều năm rồi nhưng cũng còn những vấn đề mà chúng ta phải tiếp tục khắc phục, tiếp tục có những điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Cái thứ nhất như em vừa nêu là việc chủ trương bán cổ phần cho công nhân ở đó là hoàn toàn đúng đắn, là tốt, nhưng mà chúng ta không có những quy chế, ràng buộc gì cả thì công nhân họ có một ít cổ phần rồi người ta bán lại, có người đứng ra gom các cổ phần này thành ra mai mốt tất cả các cổ phần này thành của cá nhân. Việc này Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cũng thấy rồi, hiện đang cũng có những quá trình để điều chỉnh và khắc phục.

Cái thứ hai nhân đây tôi cũng nói với các bạn luôn là quá trình cổ phần hóa của mình, mình chưa tính đến thương hiệu, thường tính giá trị vật chất chứ chưa tính giá trị thương hiệu. Mà thương hiệu có ý nghĩa lớn lắm.

Cái thứ ba là giá trị đất. Đất đai thì chủ trương của mình là cho thuê, nhưng cho thuế rất rẻ, trong khi đó nếu muốn có miếng đất đó thì phải bỏ ra rất nhiều tiền. Cái này chúng ta chưa giải quyết được. Vì vậy có hiện tượng một số doanh nghiệp giá cổ phiếu tăng lên, người ta nói nó tăng lên ảo, nó cũng có ảo nhưng nó cũng có thật. Là vì các doanh nghiệp này chúng ta định giá chưa đúng và vấn đề này chúng ta cũng đang từng bước hoàn thiện.

* Nguyễn Lan Anh - SV Học Viện Tài chính: Hiện đại bộ phận SV rất nỗ lực học tập và mong ra trường có việc làm. Nhưng vấn đề việc làm cho SV mới ra trường hiện là bài toán khó chưa có lời giải. Nhà nước có chủ trương gì để giải quyết vấn đề này?

- Lê Bạch Hồng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH: Tính lao động nước ta: dân số 85 triệu, có 25% trong độ tuổi lao động; trong đó 35% là thanh niên; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 27%, trong đó có 29% là đào tạo nghề, còn lại là đào tạo các trình độ khác. Có thể thấy lực lượng lao động của chúng ta tương đối trẻ, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Vấn đề giải quyết việc làm bao giờ cũng gắn liền với vấn đề đào tạo. Thời gian qua Nhà nước đã có nhiều giải pháp tạo việc làm, mục đích cuối cùng là tăng trưởng kinh tế. Bộ luật Lao động đã được ban hành và qua 2 lần sửa đổi, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Năm 2006, Quốc hội đã thông qua 3 luật: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề và Luật đưa nước Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Theo đó, xác định rõ trách nhiệm vừa người lao động, người sử dụng lao động và của cơ quan quản lý nhà nước. Chương trình phát triển kinh tế xã hội cũng đã có rất nhiều chính sách nhằm tạo việc làm. Có thể nói, trên lĩnh vực pháp lý, chúng ta đã cơ bản có đủ, vấn đề quan trong hiện nay là trình độ tay nghề chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của người lao động. Có thể nói, trong khu vực, Việt Nam là nước có trình độ ngoại ngữ kém nhất (trừ Cam-pu-chia và Lào). Trong khi có rất nhiều cánh cửa mở ra thì vấn đề cần quan tâm sâu sắc chính là công tác đào tạo và học. Bạn trẻ nên chọn ngành nghề theo nhu cầu xã hội. Và khi đã học rồi thì cần chuyên sâu, không ngừng nâng cao ngọai ngữ để vừa có thể hội nhập vừa tích lũy kinh nghiệm.

* Bạn Vũ Minh gửi câu hỏi qua e-mail: Cháu đã đi một số nước và hiện đang học tập tại Mỹ. Nhân dân các nước nhiều người biết đến Việt Nam, hiểu và phấn khởi thành quả phát triển của VN. Tuy nhiên cũng có nhiều người không hiểu, không biết về VN và con người VN, lúc đó cháu rất buồn. Bác cho cháu biết, làm thế nào để nhân dân thế giới biết về VN và con người VN hay không?

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Câu hỏi này rất thực tế, tôi cũng đã được biết nhiều thông tin trong nước của mình khi đi ra quốc tế rất là chậm. Hiện nay, đồng bào VN định cư tại nước ngoài cũng thiếu thông tin, rồi người nước ngoài cũng thiếu thông tin về VN. Cho nên, cũng có những sự hiểu không đầy đủ về tình hình VN. Trong những lần giao tiếp, người ta không có thông tin đầy đủ nhưng hỏi lại thì té ra họ không hiểu.

Nhân dịp APEC 14, tôi có tiếp các nguyên thủ quốc gia, đặc biệt là ngài Tổng thống G.Bush. Trong quá trình trao đổi, tôi cũng giới thiệu những tình hình thực tế ở VN. Ngài Tổng thống mới nhận ra rằng có những cái lâu nay chưa được thông tin. Vì vậy, ngài có đề nghị với tôi rằng VN phải tăng cường thông tin ra nước ngoài.

Tôi cho rằng đây là một điều rất chí lý. Những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta cũng rất cố gắng, nhất là Đài VTV4 phát ra nước ngoài nhưng ở nước ngoài cũng có nơi bắt được, có nơi không, cũng còn có nhiều khó khăn. Sách báo ra nước ngoài cũng chậm. Đặc biệt, gần đây có những website thì có thể là thông tin nhanh nhất nên chúng ta nên phát triển nhưng đồng thời phải lựa chọn đưa tin cho chính xác những cái gì cần đưa. Có những cái chúng ta đưa tin không chính xác thì có những cái không tốt. Cho nên vấn đề cung cấp thông tin ra nước ngoài là vấn đề hết sức cần thiết để cho họ hiểu rõ VN hơn. Và trong môi trường mà chúng ta hội nhập quốc tế này là cần thiết để chúng ta làm ăn với nước ngoài.

* Chủ tịch hỏi lãnh đạo 2 bộ Công an và Quốc phòng: Hiện nay tình hình quốc tế phức tạp quá, bom mìn, khủng bố... Ở Việt Nam, về mặt an ninh quốc phòng ổn định thời gian qua. Tôi nghĩ chúng ta không thể chủ quan. Theo lãnh đạo hai bộ, tuổi trẻ cần làm gì để song song với việc đưa đất nước hội nhập kinh tế thì góp phần ổn định an ninh chính trị, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, tăng cường nền quốc phòng an ninh.

- Ông Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Công an: Bảo vệ an ninh quốc phòng là trách nhiệm toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta, đặc biệt thế hệ trẻ. Thành công thời gian qua trong công tác bảo vệ an ninh trật tự có công sức của thanh niên, HSSV, trí thức trẻ. Theo tôi 4 việc phải làm của thanh niên là:

1. Nắm vững luật pháp hơn ai hết và thực hiện nghiêm túc

2. Giáo dục, tuyên truyền động viên nhân dân cùng thực hiện nghiêm luật.

3. Cống hiến sức trẻ giúp đỡ lực lượng công an bảo vệ an ninh trật tự, như thanh niên tình nguyện đã làm thời gian qua.

4. Theo dõi, giám sát hoạt động để phát hiện kịp thời hạn chế của lực lượng công an để xây dựng họ vững mạnh.

- Trung tướng Phạm Hồng Thanh - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Quân đội NDVN: Bảo vệ đất nước trở thành quy luật của VN, đặc biệt thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta phải lo giữ nước trong thời bình, mạnh lên về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Đó là việc giữ nước cơ bản nhất. HSSV, chúng ta đứng trước thử thách lớn, các thế lực thù địch đang khiến thanh niên xa rời lý tưởng của Đảng, Đoàn, sa vào thực dụng, nên chúng ta cần thận trọng.

Hiện nay 60% lực lượng an ninh tổ quốc là thanh niên đang giữ vị trí các biên giới, hải đảo. Một số ngành đào tạo quân đội là ngành mở sẵn sàng thu hút các bạn vào làm việc trong quân đội. Hàng năm con số này ngày càng tăng. Tôi muốn nói quân đội là con em của nhân dân, môi trường xã hội là môi trường lớn, nên toàn dân, nhất là giới trẻ cần tham gia để đưa đất nước ổn định, an ninh.

* Có người cho rằng WTO là một bó hoa hồng đầy gai mà chúng ta tự nguyện ôm lấy một cách tích cực. Tuy nhiên, có nhiều sự kiện trong nước thời gian qua, gây mất niềm tin, không biết ý kiến của Chủ tịch nước thế nào? - Nguyễn Quang Cảnh, Đoàn khối 1

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Bất cứ một thắng lợi nào cũng trải qua những hy sinh, mất mát, phải có trả giá. Song, muốn đất nước phát triển, chúng ta phải gia nhập WTO, để có cơ hội nhiều hơn. Chúng ta phải đương đầu với nhiều thử thách. 150 quốc gia gia nhập WTO thì không phải ai cũng phát triển.

Chúng tôi tin rằng với sức mạnh và trí tuệ của VN, chúng ta sẽ thắng lợi. Đảng và Nhà nước trong quá trình đàm phán, đã có nhiều chính sách theo một lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển của VN, chứ không phải tất cả đều đồng loạt thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tuân thủ nghiêm túc "luật chơi" quốc tế. Có đơn vị trụ vững, có đơn vị phải thay đổi, có đơn vị phải ra đi... Song, chúng ta chấp chận hy sinh để có cái lớn hơn.

Các Bộ, ngành đều phải nâng mình lên như Bộ tư pháp - nhất là khi phải tranh tụng với bạn bè quốc tế. Những gì yếu kém, trì trệ phải thay đổi, những cán bộ yếu kém cũng phải thay. Chúng ta đang gấp rút xây dựng một bộ máy nhân sự đủ tiêu chuẩn, đáp ứng với yêu cầu mới.

* Đúng 10 giờ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có phát biểu ngắn trước khi kết thúc 2 giờ đối thoại trực tiếp với các bạn trẻ trong và ngoài nước:

"Hai giờ đồng hồ trôi qua nhanh quá, tôi còn lưu luyến quá chưa muốn chia tay. Tôi nghĩ các bạn trẻ chắc cũng vậy. Chúng ta có 2 giờ đồng hồ trao đổi với nhau nhiều điều thú vị. Các bạn đưa ra nhiều câu hỏi trí tuệ sâu sắc làm cho cuộc trao đổi cởi mở sâu đậm và thẳng thắn chân tình. Buổi gặp gỡ ở hội trường này đã kết thúc, nhưng giữa chúng ta không bao giờ kết thúc. Những tình cảm, mong muốn trao đổi giữa chúng tôi và bạn trẻ không bao giờ kết thúc. Vì vậy, chúng ta có thể trao đổi bằng nhiều hình thức bằng thư từ, email... Bất cứ lúc nào cần thiết chúng ta có thể làm tiếp. Tôi mong các bộ trưởng cũng thường xuyên trao đổi thư từ. Tôi cũng sẽ cố gắng làm việc đó để việc trao đổi có thể trở nên gần gũi, thân thương. Tôi mong muốn giữa chúng ta không có sự ngăn cách hạn chế đẻ làm sao chúng ta có thể gần với nhau, trao đổi với nhau. Điều đó không chỉ giúp cho các bạn trẻ mà con giúp cho tôi hiểu được người dân đang mong muốn gì. Tham dự buổi giao lưu hôm nay, mỗi người hãy tự rút cho mình bài học, rút ra điều gì tâm đắc nhất. Chính bản thân tôi cũng rút ra điều tâm đắc nhất. Qua các câu hỏi, tôi hiểu đó là những điều bạn trẻ gửi gắm để trong công việc cân nhắc hơn. Nhân dịp này tôi cũng muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ: đất nước ta đang ra nhập WTO, chúng ta đang ra biển lớn, sóng to gió lớn. Khi gặp sóng to, gió lớn, chúng ta phải đoàn kết, bình tĩnh. Nếu không sóng gió sẽ không để chúng ta yên. Phải bình tĩnh, có người cầm lái chèo chống nhất định sẽ vượt qua.

Bạn trẻ hãy lao động hết mình, lao động cật lực trên tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba. Hôm Tết tôi vào thăm khu công nghiệp Dung Quất. Tôi đến thăm nhà máy lọc dầu. Nghe các anh em báo cáo, trong những ngày tết làm việc 3 ca. Tôi nghĩ tuổi trẻ hiện nay phải lao động cật lực, nâng tầm mình lên làm giàu cho đất nước.

Điều thứ hai, tôi muốn nhắn nhủ với bạn trẻ, phải tiếp tục học tập. Trí tuệ của thế giới ghê gớm lắm, làm sao chúng ta phải gặt hái được những tinh hoa của thế giới. Bên cạnh đó phải tăng cường rèn luyện đạo đức. Trong thanh niên vẫn còn một bộ phận thanh niên chậm tiến, họ đã làm cản trở bước tiến của chính họ, của chính thanh niên. Các bạn trẻ làm gì để giúp đỡ cho những thanh niên chậm tiến đó? Mình làm tốt chưa? hay mình chỉ quan tâm đến bộ phận thanh niên tiên tiến. Phải làm sao cho thanh niên của mình xứng đang với yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với truyền thống cha anh mình.

Đối với tổ chức Đoàn, Hội, Đội trước hết phải tăng cường củng cố xây dựng tổ chức để thực sự trở thành người bạn gần gũi với thanh niên. Mỗi cơ sở Đoàn thử kiểm điểm lại xem.

Tôi cũng đã 1 lần trao đổi với người bạn, anh là thần tượng của chúng em, đối với gia đình anh mới là người cha nhưng chưa phải là người bạn. Phải lắng nghe gia đình, con mình có tâm tư, khó khăn để tháo gỡ. Những người lắng nghe, hơi thở nhịp đập của thanh niên thì mới đoàn kết, hoà quyện, ấm cúng là tổ ấm, nơi rèn luyện cho thanh niên. Tăng cường lý tưởng cách mạng. Chúng ta chia sẻ. Nếu như bạn chưa muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản cũng không sao nhưng bạn thực sự phải là người yêu đất nước. Chậm một chút cũng không sao miễn là đừng chống chế độ này, đi ngược lại chủ trương đường lối của Đảng cộng sản. Nếu chúng ta làm ngược lại là chúng ta phản bội lại đất nước mình, chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này thích hợp với bạn trẻ trong nước và nước ngoài cùng nhau xây dựng mái nhà Việt Nam dân chủ văn minh.

Các đồng chí phải có nhiều phong trào hành động cách mạng, thúc đẩy hâm nóng góp phần thúc đẩy xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu làm được như vậy, chắc chắn tuổi trẻ sẽ tự hào đóng góp nhiều hơn cho đất nước, chính các bạn là những người một lần nữa khẳng định, Đảng nhà nước Việt Nam luôn dành những tình cảm thương mến nhất dành cho thế hệ trẻ. Các bạn đừng băn khoăn, hãy nỗ lực xứng đáng mãi mãi tình yêu cách mạng, lòng nhiệt tình cháy bỏng để góp phần xây dựng tình yêu đất nước. Xin tạm biệt và hẹn ngày tái ngộ".

Thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn tiếp thu ý kiến chỉ đạo và những căn dặn của Chủ tịch nước đồng thời bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều dịp thanh niên cả nước được tham gia đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có cơ hội được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như những đề đạt của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cũng trong tiếng nhạc trầm hùng và tiếng hát sôi nổi của nhóm SV ĐH Quốc gia Hà Nội trong ca khúc Hành khúc thanh niên, buổi đối thọai trực tiếp của Chủ tịch nước với thanh niên đã kết thúc. Từ mong muốn của Chủ tịch - buổi đối thọai hôm nay kết thúc nhưng sự kết nối giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thanh niên thì không bao giờ kết thúc - giới trẻ cả nước đang chờ đợi và tiếp tục chuẩn bị cho những cơ hội được bày tỏ tâm tư nguyện vọng cũng như đóng góp, hiến kế tiếp theo trong tương lai, tất cả nhằm mục đích xây dựng một nước Việt Nam ngày càng vững mạnh về mọi mặt.

Theo TNO-TTO