Cháu tính chi li thế này. Mỗi ngày làm việc không dưới 10 tiếng, vì là cô giáo trông trẻ 2-3 tuổi nên hầu như buổi trưa nào cũng phải thức để trông trẻ ngủ. Một tuần có 5 ngày làm việc liên tục. Như vậy, trung bình mỗi tuần, mỗi cô trông trẻ có 50 giờ làm việc. Mỗi tháng, trung bình một cô có 200 giờ nuôi dạy trẻ. Như vậy, bình quân mỗi giờ cô giáo được 15.000 đồng công nuôi dạy trẻ. Với đồng lương eo hẹp như vậy, nhiều cô giáo mầm non ở nông thôn sống rất chật vật, chứ đừng nói đến chuyện tích lũy!
Đối với giáo viên bậc học mầm non, nhất là giáo viên trông trẻ 2-3 tuổi, cường độ lao động một ngày thực sự rất vất vả. Hằng ngày, các cô vừa phải tận tụy chăm lo chu đáo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh, vừa phải kèm cặp dạy dỗ sát sao, tỉ mỉ, từng li từng tí để từng bước hình thành, rèn luyện cho các con có những thói quen tốt. Nói thì dễ, nhưng quả thật có là người trong cuộc mới thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của các cô nuôi dạy trẻ. Mỗi đứa trẻ một tính nết. Nếu trẻ nào ngoan ngoãn, dễ bảo thì các cô đỡ “đau đầu”. Nhưng thực tế, hầu như lớp trẻ mẫu giáo nào cũng có vài ba “con nít” nghịch ngợm, thích chạy lăng xăng, thích chơi theo bản năng; thậm chí có trẻ hay khóc nhè, tè bậy… khiến các cô liên tục phải dỗ dành, vỗ về và lau rửa sạch sẽ cho các con. Cháu gái tôi tâm sự, làm cô nuôi dạy trẻ, ngoài đức tính chăm chỉ, chịu thương chịu khó, thì đôi khi phải có cả “thần kinh thép” để chịu đựng những áp lực không hề nhỏ từ tiếng khóc cười hồn nhiên, bột phát có lúc như “vỡ chợ” của con trẻ. Có lẽ thời gian đỡ ồn ào nhất là giờ ngủ trưa của trẻ. Khi trẻ ngủ, dù cô có lúc cũng mệt nhoài muốn nghỉ ngơi chút ít nhưng yêu cầu công việc không cho phép các cô được nhắm mắt.
Niềm vui đáng nói nhất của cô nuôi dạy trẻ - như cháu tôi trải lòng - là thấy các bé ngây thơ, bụ bẫm, đáng yêu như đứa con của mình. Thương yêu các cháu bao nhiêu, các cô tự nhủ mình phải nỗ lực bấy nhiêu để chăm nuôi, dạy dỗ chu đáo các cháu. Nhưng thực tế trong đội ngũ giáo viên, các cô nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non, nhất là khu vực nông thôn, miền núi là người chịu nhiều vất vả nhất, mà đồng lương lại thấp nhất. Hầu như cả ngày, cả tuần, cả tháng “quẩn quanh” trong không gian nhỏ hẹp, ngày nào cũng từng ấy công việc, từng ấy áp lực, song các cô vẫn chưa được đãi ngộ tương xứng với công sức, cường độ lao động mình đã bỏ ra. Điều này đã được lãnh đạo các cơ sở giáo dục mầm non, các nhà quản lý giáo dục các cấp nhìn nhận từ lâu. Các ý kiến đề xuất về việc giảm bớt áp lực cho giáo viên mầm non cũng đã được nêu ra, trong đó có việc cải thiện tiền lương để giúp các cô phần nào đỡ vất vả, nhưng đến nay, chuyện vẫn đang ở… phía trước!
Thạc sĩ NGÔ VĂN DƯƠNG