Thời gian tới, cần có thêm các giải pháp để thắt chặt hơn nữa kết nối cung cầu giữa Hà Nội và các địa phương, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường Hà Nội, thị trường trong nước mà còn tạo cầu nối để doanh nghiệp các tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu.
Thị trường lớn cho doanh nghiệp các tỉnh
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, hiện nay, với khoảng 10,2 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu dùng của thành phố là rất lớn. Đồng thời, thành phố có mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước (gồm 22 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 454 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn tại 12 quận nội thành, hơn 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm...) có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Trong khi đó, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu của nhân dân, như: Gạo chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; quả các loại đáp ứng khoảng 35% nhu cầu…
 |
Các đơn vị ký kết hợp tác tại Hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018. |
Không chỉ người dân, các doanh nghiệp của thành phố cũng có nhu cầu lớn trong cung ứng sản phẩm ra thị trường, nhất là các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề với các nhóm sản phẩm đa dạng, như: Da giày, hóa nhựa; dệt may (khăn, lụa, quần áo các loại); hàng thêu ren; hàng sơn mài, khảm trai; hàng điêu khắc đá, kim loại, gỗ, xương, sừng; hàng gốm sứ…
Thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Kết quả, giai đoạn 2016-2018, TP Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 2 hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 18 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội. Riêng 10 tháng năm 2018, đã có hơn 1.200 lượt doanh nghiệp của hơn 50 tỉnh, thành phố tham gia quảng bá các nông sản thực phẩm, trái cây, đồ thủ công mỹ nghệ… tại chương trình hội chợ, triển lãm do TP Hà Nội tổ chức: Hội chợ đặc sản vùng miền, Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, Hội chợ hàng Việt… Thành phố cũng hỗ trợ thông tin, tạo điều kiện cho khoảng 900 lượt doanh nghiệp Hà Nội tham gia hơn 30 hội chợ, triển lãm do các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kiên Giang… tổ chức.
Sở Công Thương TP Hà Nội cũng thường xuyên phối hợp với sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố cung cấp danh sách nhà sản xuất cho các doanh nghiệp kinh doanh-phân phối trên địa bàn để hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với nhà phân phối. Kết quả đã có hơn 500 sản phẩm mới được các nhà phân phối của Hà Nội kết nối, tiêu thụ vào kênh phân phối trên địa bàn và triển khai vào hệ thống phân phối trên toàn quốc.
Cần chuẩn hóa ngay từ sản xuất
Mặc dù hoạt động kết nối cung cầu giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố thời gian qua đã diễn ra rất mạnh mẽ, tuy nhiên, quá trình triển khai còn vướng mắc trong việc đưa sản phẩm, hàng hóa vào các kênh tiêu thụ hiện đại. Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan chỉ ra nguyên nhân, việc sản xuất các mặt hàng nông sản tại nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ; việc quản lý chất lượng sản phẩm cả trong quá trình trồng trọt và lưu thông, công tác bảo quản, sơ chế sản phẩm còn hạn chế. Có ít doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất dẫn đến khi các doanh nghiệp của Hà Nội cần lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, tất cả đều gặp khó khăn. Các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng các yêu cầu về thủ tục đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm... Ngoài ra, những đơn vị sản xuất nhỏ cũng chưa có nhiều thông tin về các tiêu chuẩn khi tham gia vào những kênh phân phối hiện đại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá, hoạt động kết nối cung cầu thời gian qua còn tồn tại vướng mắc, một số đơn vị sản xuất gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nông dân... do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Về phía các doanh nghiệp phân phối cũng chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng.
 |
Giới thiệu nông sản của các tỉnh để đưa vào thị trường Hà Nội.
|
Tạo bệ phóng giúp các tỉnh xuất khẩu hàng hóa
Để nâng cao hiệu quả bền vững của các chương trình kết nối cung cầu giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho hay, thời gian tới, TP Hà Nội mong muốn các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động đề xuất, phối hợp thực hiện các chương trình liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tích cực tuyên truyền quảng bá, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương do TP Hà Nội tổ chức để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời đưa vào hệ thống phân phối tại các thị trường, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... TP Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác, tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội. Thời gian qua, TP Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp của 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa (chè, cà phê, thực phẩm chế biến, vải, chanh leo, thanh long, dừa, bơ, gia vị, đồ hộp, rau gia vị...) vào hệ thống phân phối của các siêu thị AEON (Nhật Bản), Lottemart (Hàn Quốc), Centragroup (Thái Lan), Ringis (Pháp) tại Việt Nam và cả ở nước ngoài. Qua đó, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp từ các địa phương khác trên thị trường các nước thúc đẩy xuất khẩu.
Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố chú trọng việc tạo ra những vùng sản xuất, chăn nuôi an toàn, giúp cho các đơn vị sản xuất của các tỉnh, thành phố bảo đảm tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm khi cung ứng cho thị trường Thủ đô; đồng thời tăng cường kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng để những sản phẩm tốt, an toàn, bảo đảm chất lượng được cạnh tranh lành mạnh trên thị trường Hà Nội.
Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ