Năm 2008, khi dự đám cưới của Đại úy Đoàn Đức Khánh với Nguyễn Thu Hiền về, cô chú tôi và những người có mặt hôm ấy cứ tấm tắc khen là đám cưới vui chưa từng thấy...
QĐND - Năm 2008, khi dự đám cưới của Đại úy Đoàn Đức Khánh với Nguyễn Thu Hiền về, cô chú tôi và những người có mặt hôm ấy cứ tấm tắc khen là đám cưới vui chưa từng thấy. Thì ra trong đám cưới có một điều đặc biệt: Chính ủy Trung đoàn đã chủ trì cho anh em cán bộ trong đơn vị ca vang bài ca truyền thống “Trung đoàn thép”, “Dấu chân Sư đoàn” và liên khúc các bài hát quân hành rồi mời họ hàng hai bên tham gia. Không khí đã lan hết cả hội trường khiến những người không thuộc bài hát cũng đứng dậy vỗ tay theo khúc quân hành. Chính ủy Trung đoàn Ba Gia ngày ấy là Đại tá Lê Ngọc Nam, Chính ủy Sư đoàn 2 bây giờ.
Gần ba mươi năm gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, trong đó có 10 năm gắn bó với Sư đoàn 2, những cặp vợ chồng được Lê Ngọc Nam xe duyên lên đến con số gần 50. Là đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu nên thời gian để anh em tìm hiểu yêu thương là hết sức khó khăn khi lịch huấn luyện cứ dày đặc. Anh đã cùng với đơn vị quan tâm tạo điều kiện để anh em có thời gian tìm hiểu qua tổ chức giao lưu với địa phương và các nhà trường. Có rất nhiều cặp vợ chồng nên duyên nhờ những buổi giao lưu như thế. Khi anh em tìm được một nửa của riêng mình anh hết sức vui mừng mà vun vào.
 |
Chính ủy Lê Ngọc Nam (ngoài cùng, bên trái) trong lễ ăn hỏi đôi uyên ương Đoàn Đức Khánh – Nguyễn Thu Hiền năm 2008. Ảnh: NAM HOA.
|
Nhưng có một điều đặc biệt mà tất cả những đám cưới do anh chủ hôn đều mang đậm phong cách nhà binh, bởi ngoài những tiết mục văn nghệ ca ngợi tình yêu đôi lứa không thể thiếu khúc quân hành. Những khúc quân hành vang ca trong lễ vu quy không chỉ thể hiện sự hào hùng, niềm tự hào của chú rể, của cánh nhà binh mang trên mình màu xanh áo lính, mà còn như một lời giới thiệu về truyền thống của đơn vị, về đặc thù nhiệm vụ với sự sẻ chia của cô dâu và họ hàng. Để có được ngày vui trọn vẹn cho đôi lứa, bản thân “ông tơ” nhiều khi cũng gặp những tình huống khó xử để rồi chính anh lại là chiếc cầu nối kết hai gia đình. Đó là khi phong tục vùng miền có những khác biệt giữa họ nhà trai và họ nhà gái, hay khi đôi lứa mặn nồng mà gia đình không mặn mà cưới hỏi, vậy là anh lại phải lục tục cùng đôi uyên ương thuyết phục hai gia đình. Cũng có trường hợp chính anh lại vừa đại diện họ nhà trai, vừa đại diện cơ quan đi hỏi vợ cho chú rể như trường hợp Trung tá Nguyễn Văn Quang. Anh kể: “Hồi đó thấy Quang nhờ đi hỏi vợ dùm do bố mẹ quê ở Thái Bình xa không vào được, tôi vô tư gật đầu liền. Hai anh em đi gần cả trăm cây số mới đến nhà cô dâu. Sau màn chào hỏi rồi đặt vấn đề, cũng may gia đình nhà gái vui vẻ không bắt bẻ gì. Sau khi mọi thủ tục xong xuôi, bố mẹ Quang từ quê vào dự đám cưới và rước cô dâu về nhà...”.
Là người sinh ra trong chiến tranh và đi qua những năm tháng ác liệt của mặt trận Đông Bắc Cam-pu-chia, chịu nhiều nỗi đau từ nhỏ, bố và chú hy sinh lúc anh chỉ mới 3 tuổi, mẹ một mình bươn chải nuôi 3 anh chị em của anh trong sự yêu thương đùm bọc của nội ngoại, họ hàng. Từ nhỏ những câu chuyện về cha và chú cùng khúc quân hành hào hùng đã theo anh đến trường rồi vào bộ đội. Năm 1983, anh cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Cùng thời gian đó, lễ vu quy ấm áp tình đồng đội được đơn vị tổ chức mang đậm phong cách nhà binh của anh với cô dâu Nguyễn Thị Điểm làm ở Bảo tàng Quân khu 5 trong niềm vui và nước mắt của mẹ và họ hàng nội ngoại, cùng những khúc quân hành thay cho những lời chúc phúc của đồng đội. Ngày hôm nay, khúc quân hành anh mang đến lễ vu quy như một lời nhắc nhở, như một niềm tự hào của những người mang danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ".
LÊ THỊ HOA