QĐND - Sự chủ động chuyển đổi cây trồng, phát triển KT-XH, xóa xóm trắng đảng viên, đời sống đồng bào khởi sắc, QP-AN được tăng cường, đường biên giới hòa bình, hữu nghị được xây dựng... ở xã Thị Hoa (huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) những năm gần đây thì ai cũng biết. Nhưng ít ai biết đến người có đóng góp quan trọng được đồng bào tin yêu, đó là Thượng tá Lê Văn Sơn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng tăng cường xuống làm cán bộ xã.
Đưa cây mía về bản vùng cao
Xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng bốn bề núi đá sừng sững. Ngày chúng tôi vượt gần 400km qua nhiều cung đường đèo dốc, từ Hà Nội đến xã Thị Hoa đã gần 11 giờ trưa, nhưng trên một khoảnh rẫy ở dưới chân dãy núi gần ủy ban xã, đồng bào vẫn đang tập trung nghe Thượng tá Lê Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã hướng dẫn kỹ thuật phòng bệnh cho cây mía. Lúc thì anh nói bằng tiếng Tày, khi anh nói bằng tiếng Dao; có nội dung, anh lại nói bằng tiếng Kinh, điều này khiến tôi thực sự ngỡ ngàng. Đợi anh hướng dẫn cho bà con xong, tôi mới có dịp hỏi chuyện. Gạt những giọt mồ hôi trên gương mặt sạm đen do nắng gió, anh Sơn giải thích: "Đồng bào có người biết tiếng Kinh, nhưng cũng có bà con chưa rành. Để đồng bào dễ hiểu, tôi phải giải thích bằng cả tiếng Kinh và tiếng của từng dân tộc. Theo anh Sơn, hiện nay, cây mía sinh trưởng đã 5-7 đốt. Đây là thời điểm cây dễ mắc bệnh rệp, đốm lá, khô vằn. Một trong những nguyên nhân chính là đồng bào thường ngại bóc lá và phun thuốc không đúng thời điểm. Mầm bệnh thường tồn tại phát sinh từ những tàu lá úa, lá khô. Cây mía ưa phân NPK, để cho năng suất cao, khi bón cũng phải chia làm 2 lần; lần 1 khi cây mía từ 5 đến 7 lá; lần 2 bón thúc làm đường khi cây mía đạt từ 6-8 đốt...". Nhìn vườn mía xanh thẫm, chạy dài men theo chân dãy núi đá dựng đứng, tôi mường tượng ra một mùa mía bội thu của người dân Thị Hoa. Để có vườn mía đó, chỉ có đồng bào nơi đây mới hiểu được hành trình gian nan vất vả mà Thượng tá Lê Văn Sơn đã đưa cây mía về bản xóa nghèo.
 |
Bí thư Đảng ủy, Thượng tá Lê Văn Sơn hướng dẫn đồng bào kỹ thuật phòng, chống bệnh rệt, đốm lá, khô vằn trên cây mía.
|
Năm 2007, cấp trên và chính quyền địa phương lựa chọn Thượng tá Lê Văn Sơn tăng cường xuống xã Thị Hoa giữ chức Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã. Anh Sơn tâm sự: "Đồng bào người Tày, Nùng, Dao rất chân thật, chăm chỉ, thế nhưng đói nghèo cứ đeo bám mãi bà con, trước đây hằng năm không ít hộ phải cứu đói từ 1 đến 2 tháng, lúc giáp hạt. Thế nhưng ngày đầu đi vận động chuyển đổi cây trồng thì có người lại không đồng ý. Thậm chí có người già còn nói thẳng: "Nếu không trồng lúa, trồng ngô, tao sẽ chết. Tao bắt đền bộ đội đấy!". Anh bảo thế có ngại không". Qua câu chuyện của anh Sơn tôi được biết, để đồng bào hiểu, làm theo thật không đơn giản chút nào. Đồng bào chỉ tin khi nhìn thấy trên nương rẫy có nhiều ngô, nhiều lúa. Khi đồng bào đã tin, đồng bào sẽ làm theo đến cùng. Việc trồng ngô, lúa đã ăn sâu trong tư duy của đồng bào bao đời nay. Làm thế nào giải thích, hướng dẫn cho đồng bào hiểu và tin theo, trong khi mỗi hộ ruộng rẫy không nhiều, thời tiết lại khắc nghiệt, nếu vào mùa đông, mỗi ngày chỉ nhìn thấy mặt trời 3 đến 4 tiếng và nếu việc chuyển đổi cây trồng thất bại, thì không chỉ mất lòng tin với đồng bào, mà còn khiến đồng bào bị đói... Sự lo lắng hiện rõ trên gương mặt người Bí thư Đảng ủy xã. Trăn trở của anh Sơn cũng là trăn trở của nhiều thế hệ cán bộ địa phương. Xã cũng đã tuyên truyền vận động rất nhiều nhưng chưa hiệu quả.
Là Bí thư Đảng ủy xã - người đứng mũi chịu sào trong công tác lãnh đạo, với bản lĩnh người lính không lùi bước, hằng ngày Bí thư Sơn chẳng mấy khi ở văn phòng, lúc thì ở trên nương rẫy, khi lại thấy anh lặn lội xuống các gia đình tìm hiểu quy trình canh tác, chất đất, thăm hỏi người già, em nhỏ, động viên gia đình khó khăn. Anh Sơn kể: "Càng gần gũi càng thấy đồng bào nhiều khó khăn vất vả. Đêm về tôi trăn trở, có đêm không sao ngủ được, có thời điểm hốc mắt trũng sâu, trong đầu cứ ong ong như có tiếng ve kêu...". Cách nhà hơn 100km, thế nhưng mỗi năm, anh cũng chỉ về thăm gia đình một vài ngày. Nhiều lúc thương vợ, con vất vả, nhưng may vợ anh rất hiểu BĐBP, nên đã động viên chia sẻ tiếp thêm cho anh động lực trong công việc. Sau gần 1 năm vất vả tìm kiếm, đắn đo suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định trao đổi trong tập thể, được Đảng ủy thống nhất chọn giống mía “Tân đại đường số 22” làm cây chuyển đổi. Với phương pháp nhà binh, anh đề xuất Đảng ủy xã ra nghị quyết lãnh đạo, tập trung vào 3 biện pháp đột phá là: Đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức trồng điểm và tìm đầu ra cho sản phẩm. Để làm mô hình điểm, cán bộ xã trực tiếp làm điểm trước 1ha. Về đầu ra sản phẩm, anh Sơn chủ động liên hệ được nhà máy đường bên nước bạn. Sau hơn 10 tháng, mô hình trồng mía của xã đã cho thu hoạch, anh Sơn phấn khởi giới thiệu với bà con, 1ha mía đạt 55 tấn, có trị giá 20 triệu đồng, trong khi 1ha ngô, năng suất chỉ đạt 25 tạ, trị giá được 7,5 triệu đồng, trong khi chi phí cho cây ngô mất 35% giá trị sản phẩm, còn chi phí cho cây mía chỉ mất 25% giá trị sản phẩm, nhưng cho thu hoạch 3 đến 4 năm, không phải trồng lại, chi phí giảm xuống chỉ còn 5-7% giá trị sản phẩm. Thế nhưng ngặt nỗi vẫn còn một số bà con chưa tin. Bí thư Sơn tiếp tục chọn xóm Tổng Nưa tổ chức làm điểm, trong xóm cũng lựa chọn một số hộ làm điểm. Ngày ngày, Bí thư Đảng ủy chạy đi chạy lại như con thoi xuống xóm Tổng Nưa... Ông Lăng Văn Sin (63 tuổi), xóm Tổng Nưa - một trong số hộ trồng điểm cây mía, tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, giọng đầy xúc động: "Có căn nhà mới này cũng là nhờ làm theo bộ đội Sơn trồng cây mía đấy. Bộ đội Sơn giỏi thật". Theo ông Sin, năm 2008, nhà ông có 3ha mía, thu được gần 50 triệu đồng. Từ kết quả, kinh nghiệm, ông tích cực tuyên truyền vận động bà con làm theo. Bằng nhiều biện pháp nhân rộng mô hình, năm 2009, xã đã trồng được hơn 100ha mía. Thấy rõ hiệu quả, nhiều bà con không chỉ trồng trên nương rẫy đã canh tác bao năm, mà còn ngày đêm tích cực khai hoang, phục hóa tận dụng mọi diện tích đất trống để trồng mía. Nhìn bãi mía len sâu đến từng chân núi, Bí thư Sơn phấn khởi vỗ vào vai tôi bồm bộp: "Nghị quyết Đảng ủy xã đề ra đến năm 2015 phấn đấu đạt 250ha mía, nhưng đến nay, xã đã đạt 300ha mía. Từ mô hình của xã Thị Hoa, cây mía đã được huyện Hạ Lang nhân rộng ra nhiều xã. Năm 2012, xã xuất khẩu đạt hơn 90.000 tấn mía, năm 2013 dự kiến đạt 150.000 tấn; thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới, giảm từ trên 45% xuống còn 19%, hệ thống cơ sở hạ tầng trạm y tế, trường học được củng cố; đường ô tô đã đến tất cả các xóm. Nét đẹp truyền thống, văn hóa của đồng bào cũng được gìn giữ, phát huy trong cộng đồng các dân tộc, biên giới hòa bình hữu nghị, vi phạm an ninh trật tự giảm hẳn, thanh niên cũng không phải đi làm ăn xa...".
Ươm mầm trên đá
Anh Sơn kể: Năm 2007, khi được tăng cường xuống xã giữ chức Bí thư Đảng ủy, thay vì sinh hoạt với các chi bộ trên xã, tôi chủ động phân công cán bộ xuống sinh hoạt cùng với các chi bộ xóm. Lúc đầu không ít đảng viên lo ngại khi thấy tôi chọn xóm Ngườm Già cách trụ sở UBND xã hơn 8 cây số đường rừng để sinh hoạt Đảng. Xóm Ngườm Già lúc đó chỉ có một đảng viên. Để lập được chi bộ, tôi đã đề xuất đảng ủy điều một đảng viên từ xóm bên sang, thế là chi bộ chỉ có 3 đảng viên...". Với đặc thù trình độ học vấn của đồng bào còn thấp, một số thanh niên thường đi làm ăn xa, không ít người nhận thức về Đảng còn hạn chế. Làm thế nào để chủ trương, nghị quyết đến được với bà con, qua quá trình tìm hiểu, anh Sơn không mở các lớp tập trung để quán triệt, phổ biến mà tranh thủ vào các buổi tối, hoặc cùng đồng bào lên nương rẫ̃y. Anh vừa giúp bà con sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, vừa tuyên truyền vận động, lựa chọn tạo nguồn phát triển đảng viên. Sau khi lựa chọn được nguồn, anh bàn với Đảng ủy xã phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị huyện mở lớp, đồng thời phát động các phong trào tạo điều kiện cho thanh niên hoạt động, cùng thanh niên rèn luyện phấn đấu. Từ 2007 đến nay, Chi bộ xóm Ngườm Già đã kết nạp thêm 3 đảng viên, bảo đảm thành lập chi bộ vững chắc, hằng năm đều đạt TSVM. Cùng với kế hoạch phân công chặt chẽ, trong nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy còn cụ thể hóa chỉ tiêu cho từng chi bộ. Riêng năm 2013, xã Thị Hoa đã kết nạp được 32 đảng viên. Các đảng viên đều phát huy tốt vai trò trách nhiệm, nhiều đảng viên hiện là cán bộ chủ chốt ở các xóm bản, làng, xã. Thị Hoa giờ đây không còn xóm trắng đảng viên; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, hoạt động hiệu quả. Liên tục từ năm 2007-2012, Đảng bộ xã đều đạt TSVM, được trên khen thưởng.
 |
Bí thư Đảng ủy, Thượng tá Lê Văn Sơn thăm động viên gia đình khó khăn trong xã.
|
Đồng bào ai cũng biết rõ về hoàn cảnh gia đình, quê quán… của Bí thư Sơn. Nhập ngũ tháng 8-1983, sau khi được trên chọn đi đào tạo, ra trường anh về nhận công tác tại BĐBP tỉnh Cao Bằng. Từ năm 1999-2006, anh được tăng cường xuống xã Quang Long, huyện Hạ Lang với vai trò cán bộ y tế. Chị Nông Thị Hiếu, ở xã Minh Long, huyện Hạ Lang, mẹ của cháu Nông Thị Hạnh xúc động kể: "Cuối tháng 12-1999, nửa đêm gió rét như cắt, cháu Hạnh mới 3 tuổi bất ngờ lên cơn sốt co giật. Trong lúc gia đình đang bối rối chưa biết làm sao thì cán bộ Lê Văn Sơn có mặt. Để đến được xã Minh Long, anh Sơn đã phải vượt hơn 10 cây số toàn đèo dốc. Nay cháu Hạnh đã 17 tuổi cao lớn, xinh đẹp, mỗi năm cứ đến Ngày truyền thống BĐBP, gia đình tôi lại đến thăm anh Sơn đấy". Trưởng thành từ chiến sĩ quân y, liên tục từ năm 2004-2012, Thượng tá Sơn được BĐBP tỉnh tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" và 17 lần được Tỉnh ủy, UBND và các ban, ngành của tỉnh Cao Bằng tặng bằng khen. Năm 2013, anh được thăng quân hàm cấp Thượng tá trước niên hạn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng vừa đề nghị khen thưởng Thượng tá Sơn là cán bộ dân vận khéo. Khi hỏi "bí quyết" để có được những thành công, Thượng tá Lê Văn Sơn thật thà: “Chả có bí quyết gì đâu. Mình gần dân, thấy dân khổ quá thì nghĩ cách giúp họ thoát cái khổ thôi. Cũng may là dân tin mình, anh em đồng đội tin mình...". Đúng là như vậy. Chỉ có gần dân, thấu hiểu nỗi thiếu đói, nghèo khó của dân thì mới có sự đồng cảm, mới giúp được dân thoát nghèo. Làm cán bộ theo tư tưởng của Bác Hồ có nghĩa là như thế.
Bóng chiều đã xuống, tôi cùng Thượng tá Lê Văn Sơn và bà con các dân tộc Thị Hoa uống chén rượu ngô chia tay. Phía trước, phía sau xã Thị Hoa là những ngọn núi đá thuộc dãy Pò Măn dựng đứng nối nhau như muốn cản bước tiến của đồng bào. Hành trình thoát nghèo của đồng bào chắc là còn nhiều thử thách, nhưng chúng tôi tin rằng, với phẩm chất tốt đẹp của đồng bào và những cán bộ biên phòng gần gũi nhân dân, giàu sáng tạo, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm vì dân như anh Sơn thì chắc chắn Thị Hoa sẽ ngày càng khởi sắc.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN