QĐND - Bút danh Nguyễn Ái Quốc trở thành tên riêng của Nguyễn Tất Thành như thế nào và từ bao giờ?

Bút danh Nguyễn Ái Quốc xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 6-1919 trong bản Thỉnh nguyện thư gửi hòa hội Versailles, đồng thời cũng được gửi đến Tổng thống Hợp chủng quốc và các đoàn đại biểu nhiều nước tham dự hội nghị. Theo nhiều nhà nghiên cứu, sáng kiến đưa Thỉnh nguyện thư là của Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành và do Phan Văn Trường chấp bút, dưới ký bút danh chung là Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, địa chỉ ghi bên dưới Thỉnh nguyện thư không phải là 6 Villa des Gobelins, mà là 56 phố Monsieur le Prince, nơi cư trú lúc đó của Nguyễn Tất Thành. Ngày 14-11-1919, Bộ Thuộc địa Pháp có thư mời Nguyễn Ái Quốc đến gặp để kiểm tra lý lịch và đã gửi thư về địa chỉ 56 phố Monsieur le Prince. Tuy nhiên, khi đó Nguyễn Tất Thành đã chuyển đến số 6 Villa des Gobelins, nhà của Phan Văn Trường. Nhận được thư mời, Nguyễn Tất Thành ung dung đến trụ sở Bộ Thuộc địa kiến diện Bộ trưởng A.Sarraut - người đã có hai nhiệm kỳ làm Toàn quyền Đông Dương - và sau đó với P.Pasquier (người sau này cũng trở thành Toàn quyền Đông Dương). Qua những cuộc gặp gỡ và đối thoại thẳng thắn này, cùng với kết quả xác minh của những mật thám người Việt bủa vây quanh anh, người mang tên Nguyễn Ái Quốc hiện diện bằng xương bằng thịt đã được khẳng định chính là Nguyễn Tất Thành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Internet).

Tất nhiên, bút danh Nguyễn Ái Quốc có thể vẫn được Phan Văn Trường tiếp tục sử dụng thêm trong khoảng thời gian từ cuối 1919 đến đầu năm 1920. Bởi lẽ, ở thời gian đó, bản Yêu sách vừa mới được công bố trên L’Humanité, nên các thế lực thực dân đang có phản ứng mạnh về nội dung bản Yêu sách. Do vậy, bút danh Nguyễn Ái Quốc đang nổi như cồn. Nếu các tác phẩm được ký với bút danh đó sẽ thu hút sự chú ý của người đọc hơn. Mặt khác, xét về nội dung các bài báo xuất hiện cuối năm 1919 như: Ở Đông Dương, Vấn đề dân bản xứ (L’Humanité, ngày 2-8-1919); Đông Dương và Triều Tiên (Le Populaire ngày 4-9-1919); Thư gửi ông Outrey (Le Populaire, ngày 14-10-1919)... nói chung đều xoay quanh nội dung bản Yêu sách, cùng một mạch văn, nên có thể vẫn do Phan Văn Trường viết. Điều này cũng đã từng được Tiến sĩ sử học Thu Trang nêu lên qua phân tích sự khác nhau trong lối hành văn, cách lý luận giữa Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc. Thu Trang cho rằng: “Phan Văn Trường vốn là luật sư, “có một túi luật lệ”, nên thỉnh thoảng ông đưa sự hiểu biết chuyên môn của mình ra để đấu khẩu với những tên thực dân (như bài Thư gửi ông Outrey); còn Nguyễn Ái Quốc, trong những bài báo về sau, “không mấy khi Nguyễn dùng luật lệ để bắt bẻ thực dân, mà phần nhiều hay dùng những chứng cớ hiển nhiên, dễ hiểu, thực tế đập vào mắt độc giả. Nội dung giản dị, dễ đọc, không đi vào chuyên môn; khi cần dẫn chứng thì mới trích đoạn chỗ này, chỗ khác, hoặc trích vài con số để chứng minh sự thật”.

Thu Trang nghi vấn các bài này có thể là của Phan Văn Trường, chứ không hề nghĩ đến Nguyễn An Ninh hay Nguyễn Thế Truyền như Thụy Khuê đã gán một cách vô căn cứ cho hai người này, bởi đơn giản là vì vào năm 1919-1920 Nguyễn Thế Truyền vẫn chưa có mặt tại Pa-ri. Theo Đặng Hữu Thụ, từ 1916 đến 1920, ông Truyền đang học đại học ở Toulouse, miền Nam nước Pháp. Năm 1920, ông Truyền tốt nghiệp kỹ sư hóa học và cử nhân khoa học ban Lý Hóa, sau đó về nước cưới vợ và ở lại trong nước hơn một năm. Ngày 23-8-1921, ông lại được học bổng của Thống sứ Bắc Kỳ, tiếp tục đi du học lần thứ ba và theo học tại Đại học Sorbonne. Cuối năm 1922, ông Truyền đậu cử nhân triết học và bắt đầu kết giao thân thiết với Nguyễn Ái Quốc, tham gia viết báo Le Paria. Có một thời gian ngắn ông Truyền tá túc ở số 6 Villa des Gobelins, sau đó thuê nhà ở tại số 6 đường Saint-Louis-en-I’Ile Paris. Như vậy, những bài báo đầu tiên của Nguyễn Thế Truyền sẽ chỉ bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 1922 trên tờ Le Paria.

Còn Nguyễn An Ninh, sinh năm 1900, 18 tuổi ông mới sang Pa-ri, tiếp tục học luật tại Sorbonne. Hai năm sau (1920) Nguyễn An Ninh đỗ cử nhân luật với tấm bằng xuất sắc, nhưng chưa thấy nói đến những hoạt động chính trị của ông vào thời gian này. Như vậy, khó có thể nói võ đoán như Thụy Khuê rằng Thư gửi ông Outrey là do Nguyễn An Ninh viết, với một lập luận “kỳ khôi”: “Outrey và Nguyễn An Ninh cùng ở Nam Kỳ nên biết rõ hành tung của nhau. Outrey biết rõ gốc gác và hành động của Nguyễn An Ninh,… khi đọc văn, y đoán chắc là của Nguyễn An Ninh, nên trong lời buộc tội của hạ viện, Outrey đã mô tả Nguyễn Ái Quốc như Nguyễn An Ninh” (sic)! Thụy Khuê cần biết rằng Outrey là ủy viên Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ và là đại biểu của Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ trong Hạ viện Pháp, rồi làm Thống đốc Nam Kỳ, đang dòm ngó chức Toàn quyền Đông Dương; còn Nguyễn An Ninh khi ở trong nước mới chỉ là một học sinh cao đẳng pháp chính thuộc Đại học ĐD, chưa đến 18 tuổi, hãy còn vô danh, nghĩa là chưa viết lách và chưa có hoạt động chống đối tiếng tăm gì. Vậy tại sao một quan chức thực dân cao cấp như Outrey lại có thể biết rõ gốc gác và hành tung của Nguyễn An Ninh, khi đọc văn y nhận ra ngay để có thể khẳng định Nguyễn Ái Quốc chính là Nguyễn An Ninh? (những lập luận kiểu “tự do sáng tác” như thế không hiếm trong bài viết của Thụy Khuê, có dẫn ra nữa cũng chỉ làm mất thêm thì giờ của độc giả).

Vậy bút danh Nguyễn Ái Quốc trở thành tên riêng của Nguyễn Tất Thành từ bao giờ? Cần nói ngay rằng “nhóm Ngũ Long” là do người đời sau đặt ra để tôn vinh năm nhà hoạt động yêu nước nổi tiếng có mặt tại Pa-ri trong những năm 20 của thế kỷ trước (ví dụ như người ta vẫn đặt: “Nam Đàn tứ hổ”, “Thăng Long tứ kiệt”,….) chứ không phải là một “nhóm” có ý nghĩa về tổ chức, hình thành và hoạt động bên nhau cùng một lúc. Mỗi người có một vai trò và nổi lên ở một giai đoạn nhưng không phải khi nào họ cũng nhất trí với nhau về xu hướng, quan điểm và phương pháp hành động. Nguyễn Ái Quốc từ khi gia nhập Đảng Xã hội rồi trở thành người cộng sản thì xu hướng ngày càng cấp tiến, hoạt động ngày càng mạnh mẽ. Phan Văn Trường là một trí thức có quốc tịch Pháp nên chủ yếu muốn dựa vào pháp luật và báo chí công khai để đấu tranh. Phan Châu Trinh thì chủ trương cải cách ôn hòa, mềm mỏng, không muốn làm mất lòng người Pháp. Vì vậy, họ thường tranh luận, có khi to tiếng với nhau, từ đêm này qua đêm khác, khiến hàng xóm phải than phiền. Tranh luận mãi mà không thuyết phục được nhau cũng mệt mỏi, cuối cùng đành mỗi người tạm đi một nơi: Cụ Phan dọn về ở 21 Pernety rồi cuối năm đó xuống Marseille làm việc hơn một năm; Nguyễn Ái Quốc dọn về số 9 Ngõ Compoint, còn Phan Văn Trường đi Mayence, ngôi nhà ở Gobelin bỏ trống. Tuy vậy, về mặt tình cảm, họ vẫn kính trọng nhau và duy trì quan hệ với nhau hết sức tốt đẹp.

Thực tế đó cho thấy: Nguyễn Ái Quốc đã đi theo một con đường riêng, xu hướng thiên tả của anh được bộc lộ rõ ràng và mạnh mẽ trong hoạt động cũng như trong các bài viết. Theo đó, từ khi gia nhập Đảng Xã hội Pháp năm 1919, rồi sau đến Đại hội Tours (tháng 12-1920), trở thành người cộng sản, bút danh Nguyễn Ái Quốc được ký dưới những bài báo có xu hướng xã hội chủ nghĩa, thường hay nhắc đến Quốc tế Cộng sản, đã trở thành bút danh riêng của Nguyễn Tất Thành. Đó là điều dễ thấy, không ai có thể xuyên tạc được.

Về tác phẩm Đông DươngBản án chế độ thực dân Pháp: Trong bài viết của mình, Thụy Khuê có nói đến cuốn La France en Indochine của Nguyễn An Ninh được viết và xuất bản tại Pháp tháng 4-1925, nhưng thừa nhận nay không còn dấu tích (nghĩa là Thụy Khuê cũng chưa từng nhìn thấy, chưa nói là từng đọc), chỉ còn bài viết La France ent L’Indochine của ông đăng trên Europe, số 31, ra ngày 15-7-1925 cho ta biết tư tưởng đấu tranh của Nguyễn An Ninh. Thế mà Thụy Khuê đã vội phỏng đoán một cách hồ đồ rằng: “Cuốn sách mang tên Đông Dương (1923-1924) được dịch và đưa vào Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, phải chăng đây chính là tác phẩm La France en Indochine mà Nguyễn An Ninh đã cho in năm 1925?” (sic!).

Để tránh những kết luận liều lĩnh như trên, tôi khuyên Thụy Khuê nên đến Trung tâm Lưu trữ tư liệu lịch sử Nga, vào Phòng Quốc tế cộng sản, mở cặp tư liệu về Nguyễn Ái Quốc, đọc Hồ sơ số 7, sẽ thấy bản thảo bút tích, đánh máy tiếng Pháp, cuốn sách nhỏ nhan đề Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc được lưu tại đó. Trang bìa in nền hoa văn, có chữ viết tay của thủ thư bằng tiếng Nga, dịch ra như sau: “ĐÔNG DƯƠNG”

Dự thảo cuốn sách nhỏ của đồng chí Quốc (1923-1924): Dự thảo có 18 bài, gồm 82 trang đánh máy bằng tiếng Pháp, với các đề mục như sau: 1. Sa gesographie, Les classes. L’histoire. 2. Sa vie esconomique. 3. Les méfaits du militarisme. 4. Les atrocités de la civilisation. 5. Mentalité coloniale. 6. Les administrateurs. 7. Parasitisme et pétaudière. 8. Le consortium des bandits. 9. Concessions et concessionnaires. 10. Les travauxpublics. 11. Corvées ou travaux forces. 12. L’obscurantisme. 13. La presse. 14. Les impots. 15. La résistance. 16. L’Eglise. 17. La Justice. 18. L’Annam vu par les francais.

Đọc qua, người đọc có thể thấy ngay tên một số đề mục có sự trùng hợp với tên một số chương của Bản án chế độ thực dân Pháp. Tuy nhiên, có điều nội dung cuốn Đông Dương chỉ giới hạn tố cáo tội ác chế độ thực dân trong phạm vi xứ Đông Dương, còn Bản án chế độ thực dân Pháp đã được tác giả bổ sung và phát triển, mở rộng sự tố cáo ra các thuộc địa Á-Phi khác thành một tác phẩm đầy đặn hơn. Ông D.Hesmery đã cho rằng “Đông Dương” chính là tiền thân của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”.

Những bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923 (Kỳ 1)

(Còn nữa)

NGÔ TRẦN ĐỨC