QĐND Online - Tháng 10, khi cả nước sôi nổi tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi đến thăm những cán bộ của Đội thuyền 128 (Đội giao thông tình báo trên biển) anh hùng năm xưa. Họ là những người tiên phong mở ra một cung đường biển vận chuyển cán bộ, tài liệu, vũ khí giữa hai miền Bắc-Nam. Tuy nhiên, những chiến công thầm lặng ấy chưa được nói tới nhiều…
Khởi đầu bí mật
Trong gian nhà nhỏ trên đường Trần Tấn Mới (tên Anh hùng LLVTND của Đội thuyền 128), thành phố Đà Nẵng, Thiếu tướng, Trần Tiến Cung (năm nay 82 tuổi), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục II, người trực tiếp chỉ huy Đội thuyền 128 năm xưa bồi hồi kể lại câu chuyện cách đây hơn nửa thế kỷ…
Năm 1954, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tình hình miền Nam thay đổi, chính quyền ngụy được dựng lên và thi hành nhiều chính sách thâm độc, đánh phá ác liệt và kiểm soát gắt gao vùng giới tuyến. Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã xác định yêu cầu giao thông phải mở đường đi trước. Khi nhiệm vụ cách mạng thôi thúc, ngành tình báo đã khẩn trương, tích cực đẩy mạnh hoạt động giao thông. Đến đầu năm 1956, lãnh đạo, chỉ huy Nha Liên lạc-Cục Quân báo-Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II-Bộ Quốc phòng) đã xác định nhiệm vụ tập trung lực lượng giải quyết về tổ chức giao thông và duy trì thông suốt. Theo Thiếu tướng Trần Tiến Cung, khi đó Trung ương Đảng, Bác Hồ và Quân ủy trung ương đã triệu tập đồng chí Nguyễn Đôn, Phó tư lệnh Liên khu V và đồng chí Lê Câu, Trưởng ban tình báo Khu vực phi quân sự ra miền Bắc để giao nhiệm vụ. Sau khi về, hai đồng chí đã phổ biến lại nhiệm vụ cấp trên giao là đưa một lực lượng ra Bắc tập kết trong 2 năm, đồng thời chuẩn bị lực lượng tại chỗ để quản lý khu vực tập kết quân 300 ngày và cả cho lâu dài. Vào thời điểm đó, việc di chuyển từ Nam ra Bắc và ngược lại vô cùng khó khăn, phải mất hàng tháng trời.
Vượt qua nhiều cản trở, ngành tình báo quyết định tổ chức lực lượng giao thông thủy gồm nhiều tổ thuyền, mỗi tổ thuyền thành lập một chi bộ. Tháng 3-1956, 2 tổ thuyền đầu tiên được thành lập lấy tên là Thống Nhất và Trung Hòa. Đây chính là thời điểm đánh dấu sự ra đời Đội thuyền 128 anh hùng của ngành tình báo. Ngay từ khi thành lập, các chi bộ đã nhận định, cho dù địch đánh phá, có thể bị bắt, có thể hy sinh, nhưng nhiệm vụ Đảng, tổ chức giao bằng mọi giá phải hoàn thành. Đầu năm 1956, Nha Liên lạc đã cử một đồng chí Trưởng phòng Giao thông vào trạm đầu cầu Vĩnh Linh để nắm tình hình, tiếp cận địa bàn, nghiên cứu, tổ chức thăm dò, xác định thời gian, cự ly vào cửa Tư Hiền (Thừa Thiên-Huế), Nam Ô (Đà Nẵng)…
Đại tá Trần Xuân Tự (80 tuổi), nguyên Cục trưởng Cục 11 đã từng tham gia chỉ huy Đội thuyền 128 kể rằng, với những chiếc thuyền nan thô sơ của buổi ban đầu, các chiến sĩ giao liên tình báo đã dũng cảm vượt qua giới tuyến vào Huế, Đà Nẵng…trước sự kiểm soát gắt gao của địch, để nối thông đường giao thông thủy. Cũng trong tháng 3-1956, trạm Vĩnh Linh tổ chức thuyền đi khảo sát địa bàn vùng Thanh Khê, Xuân Hà (Đà Nẵng) đồng thời thu thập các loại mẫu giấy tờ, con dấu cần thiết để hợp thức hóa cho đội thuyền Vĩnh Linh. Vào tới Đà Nẵng, đoàn đã móc nối được với cấp ủy địa phương để nắm tình hình và khi trở ra đã đưa một cán bộ Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ra Bắc hoạt động do đã bị lộ…Đó là những chuyến đi khai phá mở đường trên biển đầu tiên của lực lượng tình báo, bảo đảm thắng lợi, an toàn tuyệt đối. Thêm vào đó, đã để lại những kinh nghiệm hình thành phương thức giao thông thủy trên biển Đông một cách đồng bộ, vững chắc, góp phần mở ra ý tưởng táo bạo cho Đoàn tàu không số vượt đại dương tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
 |
Đại tá Trần Xuân Tự trò chuyện với thế hệ cán bộ tình báo hôm nay
|
Hoạt động trong thầm lặng
Ông Nguyễn Xuân Đích (83 tuổi), nguyên là thợ máy của Đội thuyền 128 và Đoàn tàu không số kể lại, ông đã vinh dự được phục vụ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Anh hùng Liên Xô Giéc man-Ti tốp… cùng rất nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù nhiệm vụ của ngành tình báo nên ông Đích cùng với các đồng đội khác đều tuyệt đối bí mật, giữ im lặng về công việc của mình. Ông nói rằng: “Suốt một thời gian dài phục vụ Đội thuyền 128 cũng như sau này phục vụ Đoàn tàu không số, những cán bộ, chiến sĩ chúng tôi đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Vì vậy chúng tôi chỉ làm mà không nói ra những việc mình đang làm”. Một trong những kỷ niệm ông Đích nhớ nhất là được nói chuyện với Bác Hồ trên chuyến tàu ông phục vụ Bác.
Từ 2 tổ thuyền ban đầu, ngành tình báo đã phát triển thành đội thuyền mang phiên hiệu 128 gồm 26 tổ thuyền với 183 đồng chí, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc tình báo Bắc-Nam; tổ chức thực hiện kế hoạch phái khiển cán bộ, giao thông viên, nhân viên kỹ thuật cơ động theo chỉ thị của cấp trên. Ngoài ra, còn tổ chức nắm tình hình địa bàn, thu thập giấy tờ hợp pháp của người, tàu, mua máy, đóng mới thuyền, trang bị hàng hóa, ngư cụ theo yêu cầu, chuyên chở vũ khí, phương tiện tiếp tế cho các trạm tình báo…Đội thuyền 128 khi đó hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giao thông thủy, nằm trong tổ chức Phòng 73 của ngành tình báo. Mỗi thuyền thành lập một chi bộ, chi ủy lãnh đạo trực tiếp, thuyền trưởng kiêm bí thư chi bộ, thuyền phó phụ trách hậu cần và đời sống, còn lại là 4-5 thuyền viên…Sự khác biệt của Đội thuyền 128 với Đoàn tàu không số chính là ở chỗ chủ yếu hoạt động trên các thuyền nhỏ, gần bờ theo nguyên tắc bí mật, cự ly, đơn tuyến. Mỗi thuyền được hợp thức hóa về người, phương tiện, giấy tờ tùy theo từng địa phương như thẻ ngư phủ, thẻ căn cước, do chính quyền ngụy cấp, có câu chuyện ngụy trang phù hợp để đi từ vùng này sang vùng khác, làm ăn theo mùa…Đội thuyền 128 của ngành tình báo đã áp dụng hình thức đột kích qua ranh giới, hướng thẳng biển Đông, xuôi dần vào Nam, nhằm thẳng điểm đến, sẵn sàng đột nhập vào bờ ban đêm rồi nhanh chóng rút lui tới địa điểm khác, tránh sự theo dõi của kẻ địch. Khi thấy tình hình giới tuyến có biến động, các thuyền sẽ chủ động tiến thẳng ra hải phận quốc tế, sau đó cập bến ở điểm khác…
Thiếu tướng Trần Tiến Cung nhớ lại, do yêu cầu công tác nắm địch ngày càng khẩn trương nên các chuyến liên lạc tăng, đội thuyền phát triển lên nhiều tổ thuyền, đường đi dài hơn từ cửa biển phía Bắc tới tận Nha Trang, Phan Thiết…thuộc vùng địch kiểm soát. Từ năm 1965, Mỹ-Ngụy kiểm soát gắt gao trên biển, trong khi đó mỗi thuyền chỉ có một chiếc la bàn, nhiều khi cán bộ, giao liên phải nhìn trăng, sao để xác định hướng đi. Mỗi chuyến đi là một lần đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Có lần để bảo đảm bí mật đường dây liên lạc, cán bộ của tổ phải hủy thuyền rồi bơi vào bờ hay khi gặp bão biển, thuyền phải neo cả tuần ngoài đảo vắng hoặc kẹt ở bến cảng của địch hàng tháng trời. Nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, các chiến sĩ giao thông tình báo đã bình tĩnh đối phó, xử lý các tình huống bảo đảm an toàn cho tài liệu, con người và phương tiện.
Chiến công không lời
Kể từ khi thành lập (tháng 3-1956) đến tháng 4-1975, Đội thuyền 128 đã tổ chức thực hiện 263 chuyến đưa đón cán bộ, vận chuyển tài liệu, vũ khí…vào Nam ra Bắc. Có những thuyền đã phục vụ hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên giao thông, tổ chức cụm trạm tình báo ở địa bàn ven biển. Đội cũng đã tiến hành 6 chuyến tiếp tế cho các cụm, 9 chuyến nắm tình hình, thu thập con dấu, giấy tờ, tài liệu ở địa bàn cực Nam. Đặc biệt có những chuyến đưa đón đột xuất cán bộ cao cấp của trên vào địa bàn. Điển hình như tổ thuyền Tiền Phong thành lập tháng 10-1956, với 22 đồng chí, đã thực hiện 46 chuyến đưa cán bộ vào chiến trường và về Bắc; liên lạc với cán bộ địch hậu, giao nhận tài liệu và đưa cán bộ, tiếp tế tài chính xây dựng các căn cứ. Tổ thuyền đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng nhất, Nhì, Ba và đạt danh hiệu Quyết thắng 6 năm liền (1969-1975). Đồng chí Trần Tấn Mới, phụ trách tổ Tiền Phong đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973. Anh hùng Trần Tấn Mới không chỉ là một thuyền trưởng giỏi mà còn là một giao thông viên dày dặn kinh nghiệm với nhiều năm hoạt động trong vùng địch. Ngày nay, một con đường tại thành phố Đà Nẵng đã được đặt Tên ông: Trần Tấn Mới. Trước đó, ngày 28-5-1970, Đội Giao thông tình báo trên biển 128 cũng đã được nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.
 |
Ông Trần Xuân Đích giới thiệu tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ
|
Đồng chí Trần Việt Tám (81 tuổi), nguyên Thượng tá tình báo, phục vụ Đội thuyền 128 đã khóc khi nói với chúng tôi về đơn vị của ông. Trong suốt 19 năm đội giao thông tình báo trên biển đã lập nhiều chiến công, trải qua mọi khó khăn thử thách, giữ vững khí tiết người cách mạng nhưng cũng có những mất mát và hy sinh. Đã có 43 đồng chí bị địch bắt và tù đày, 10 đồng chí hy sinh để con đường giao thông trên biển thông suốt và hiệu quả. Sau ngày giải phóng, Đội thuyền 128 được giải tán, có người trở về quê hương, có người ly tán trên nhiều vùng miền của Tổ quốc, nên việc giữ liên lạc, ghi nhận chiến công, tri ân đồng đội còn nhiều hạn chế…Sau này khi tổ chức công nhận, thực hiện chế độ chính sách thì nhiều đồng chí đã không còn nữa hoặc mất liên lạc. Nhiều đồng chí còn sống nhưng mang trên mình thương tật hoặc có cuộc sống khó khăn, nhưng tất cả đều giữ trọn phẩm chất, đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ đội thuyền anh hùng. Họ là những tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ tình báo quốc phòng hôm nay học tập, noi theo.
Bài và ảnh: Hoàng Trường Giang