QĐND - Cho dù là liên quan đến những chuyện trước đây nhưng các thông tin mới bị rò rỉ cũng đang khiến ngân hàng HSBC của Anh chao đảo.

Giúp che giấu hơn 100 tỉ USD

Theo công bố của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) mới đây, chi nhánh HSBC Thụy Sĩ đã thu lợi nhuận đáng kể trong nhiều năm từ các tài khoản bí mật của tội phạm rửa tiền, buôn bán vũ khí, ma túy và đóng vai trò tích cực giúp người giàu trốn thuế. Tổng cộng 106.000 tài khoản khách hàng tại 203 quốc gia với tổng trị giá lên tới hơn 100 tỉ USD đã bị rò rỉ. Tài liệu đã được cựu nhân viên HSBC là H.Phan-xi-a-ni (Hervé Falciani) nộp lên giới chức Pháp năm 2008, sau đó tờ Le Monde đã tiếp cận được và chia sẻ với ICIJ để nghiên cứu trên mọi khía cạnh. Tài liệu chứa các thông tin về khách hàng và tài khoản cá nhân tại HSBC Thụy Sĩ giai đoạn 1998-2007, giá trị tài khoản vào giai đoạn 2006-2007 cũng như ghi chú về khách hàng và các trao đổi giữa nhân viên ngân hàng với khách hàng năm 2005. Đây là lần đầu tiên tài liệu này được công bố.

Chi nhánh HSBC Thụy Sĩ. Ảnh: Roi-tơ

Theo ICIJ, các tài liệu cho thấy HSBC "thường xuyên bảo đảm với khách hàng rằng họ sẽ không tiết lộ chi tiết các tài khoản cho cơ quan chức năng" và thậm chí "thảo luận với khách hàng về các biện pháp cho phép họ trốn thuế ở quê nhà". Trong khi đó, truyền thông Thụy Sĩ tiết lộ chi nhánh Thụy Sĩ của HSBC thường xuyên thực hiện hàng trăm cuộc gặp bất hợp pháp với các khách hàng giàu có ở 25 quốc gia nhằm giúp họ mở các tài khoản bí mật. Các thông tin mới nhất trong vụ rò rỉ cho thấy, trong các năm 2004 và 2005, nhân viên ngân hàng này đã có ít nhất 1.645 cuộc gặp tại 25 quốc gia với khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng. Với tờ Le Monde, sự đa dạng của các chủ tài khoản trong danh sách là điều đáng chú ý nhất. "Những kẻ buôn lậu vũ khí, buôn ma túy, tài trợ khủng bố, chính trị gia, người nổi tiếng, vận động viên, rồi các tài phiệt công nghiệp rất thích giấu tiền ở Thụy Sĩ", tờ Le Monde nhận xét.

Trong văn bản trả lời ICIJ, HSBC thừa nhận "phải chịu trách nhiệm về các sai sót trong quá khứ", nhưng nhấn mạnh mọi việc "đã thay đổi căn bản". "Chúng tôi thừa nhận việc tuân thủ quy định tại HSBC Thụy Sĩ, cũng như trong toàn ngành nói chung, trước đây không cao như bây giờ", đại diện HSBC cho biết. Ngân hàng này cũng nêu rõ HSBC đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng dịch vụ ngân hàng để trốn thuế, rửa tiền, và đã giảm gần 70% số tài khoản tại Thụy Sĩ kể từ năm 2007. Giám đốc Điều hành HSBC Thụy Sĩ P.Mô-ra (Franco Morra) cho biết, cấp dưới của mình “đã đóng các tài khoản không đáp ứng tiêu chuẩn của ngân hàng”, đồng thời lưu ý, “đó là lời cảnh tỉnh về mô hình kinh doanh lỗi thời của HSBC”.

Mới là bề nổi?

“Kẻ lộ mật” của HSBC, H.Phan-xi-a-ni, cảnh báo những tiết lộ trên truyền thông chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Để phơi bày số tài liệu mật “tải trộm” được trong thời gian làm chuyên viên công nghệ thông tin tại HSBC, người đàn ông 43 tuổi mang hai quốc tịch Pháp - I-ta-li-a này đã phải đối mặt với không ít thử thách trong chuỗi ngày rong ruổi ở Li-băng, Pháp, Tây Ban Nha để trốn lệnh truy nã của Thụy Sĩ vì cáo buộc ăn cắp thông tin mật. Các tài liệu mật cuối cùng tới tay cơ quan thuế của Pháp vào năm 2008 và Pa-ri đã chia sẻ thông tin với chính phủ các nước có đặt chi nhánh của HSBC, châm ngòi cho cuộc điều tra trốn thuế tại hàng loạt quốc gia.

Sau khi nghiên cứu số tài liệu trên, năm 2013, giới chức Pháp kết luận 99,8% công dân nước này trong danh sách có thể có mục đích trốn thuế và 103 trường hợp đã bị đưa ra vành móng ngựa. Tại Anh, cơ quan thuế đến nay đã xác định được danh tính 1.100 người trong 7000 công dân trốn thuế của nước này. Trong khi đó, tại Nga, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh và Phòng, chống tham nhũng Hạ viện M.Va-khây-ép (Magomed Vakhayev) đã kêu gọi kiểm tra nguồn gốc các tài khoản trong danh sách bị rò rỉ được cho là của quan chức xứ bạch dương. "Dĩ nhiên, tôi cho rằng nếu đó là sự thật, chúng sẽ bị điều tra ra thôi”, ông M.Va-khây-ép cho biết. AFP dẫn lời một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định,  HSBC khó tránh được việc bị truy tố tại Mỹ về tội gian lận tài chính sau các tiết lộ trên truyền thông.

“Hồ sơ đen”

Những thông tin bị rò rỉ trên không phải là “vết đen” duy nhất trong “hồ sơ” của HSBC. Báo Le Monde cho biết, hồi tháng 12-2012, HSBC từng chấp nhận trả 1,9 tỉ USD cho chính phủ Mỹ để dàn xếp bê bối rửa tiền liên quan đến buôn bán ma túy.

Theo Tạp chí Rolling Stone, hồi tháng 7-2012, một nhóm lãnh đạo của HSBC khi điều trần trước Quốc hội Mỹ đã phải thừa nhận tồn tại việc rửa tiền ở ngân hàng này nhưng vẫn biện minh rằng đó là vì “thất bại trong việc chống rửa tiền”. Tạp chí này dẫn thông tin từ giới chức Mỹ cho biết chi nhánh HSBC tại quần đảo Cay-man - nơi được mệnh danh là một “thiên đường thuế”, từng có đến 50.000 tài khoản với tổng trị giá lên đến 2,1 tỉ USD. Ngay cả khi bị Thượng viện Mỹ điều tra, số tài khoản mờ ám này vẫn còn ở mức 20.000 với tổng trị giá khoảng 670 triệu USD. Ngoài ra, BBC dẫn báo cáo của Thượng viện Mỹ cũng cho biết, chi nhánh HSBC ở nước này (HSUS) đã từng nhận 7 tỷ USD do chi nhánh HSBC tại Mê-hi-cô chuyển sang trong năm tài chính 2007-2008. Con số này nhiều hơn bất cứ chi nhánh nào chuyển cho HSUS. Theo đó, một lượng lớn trong số tiền trên bắt nguồn từ những lợi nhuận bất chính do buôn bán ma túy mà có.

HOÀNG VŨ