QĐND - Những năm qua, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, có ý nghĩa về quốc phòng-an ninh. Vậy, có nên phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ hay không, và việc phát hành này liệu có làm ảnh hưởng đến các tiêu chí an toàn nợ công? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc đối thoại với Tiến sĩ Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội (đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tiến sĩ Trần Văn. Ảnh: Nhất Ngôn.

Có phải là gói kích cầu mới?

Phóng viên (PV): Được biết, Chính phủ đã xin phép Quốc hội phát bổ sung 170 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ trong 3 năm (2014-2016). Theo ông, nếu được Quốc hội chấp thuận, liệu nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung này có phải là gói kích cầu mới?

Tiến sĩ Trần Văn: Nhiều ý kiến cho rằng, việc Chính phủ xin phép Quốc hội cho phát hành bổ sung 170 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ cho 3 năm 2014-2016 là gói kích cầu mới, vì đây là nguồn vốn lớn, bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trong tình hình nợ khối lương xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, đang làm cho các chủ đầu tư và nhà thầu điêu đứng do lãi vay và nợ xấu, thì việc phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ để thanh toán các khối lượng xây lắp đã thực hiện và hoàn thành các dự án trọng điểm còn dở dang do thiếu vốn là vô cùng quan trọng. Theo nhóm ý kiến này thì đây không phải là gói kích cầu.

Tôi cho rằng, việc phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ như Chính phủ trình ra Quốc hội là cần thiết và sẽ đạt được cả hai mục tiêu trên.

PV: Xin ông nói rõ hơn “cái lý” của việc Chính phủ đề nghị Quốc hội phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, cả ở khía cạnh “gói kích cầu mới” và “không phải gói kích cầu”?

Tiến sĩ Trần Văn: Như tôi đã nói, mục đích của việc phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ cũng chính là tăng thêm nguồn vốn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nó càng có ý nghĩa trong bối cảnh tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm nhanh trong các năm vừa qua, hiện đã xuống dưới 30% tổng sản phẩm nội địa (GDP), thấp hơn nhiều so với yêu cầu của cả giai đoạn 2011-2015. Tôi được biết, theo một tính toán gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì việc phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ sẽ góp phần thu hút 250 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư xã hội, làm tăng tổng mức đầu tư toàn xã hội, sẽ góp phần tích cực trong tăng trưởng kinh tế trong 3 năm tới với bình quân khoảng 0,4% mỗi năm.

Ngay như đối với các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14), thì khoảng 62 nghìn tỷ vốn trái phiếu Chính phủ sẽ song hành cùng 40 nghìn tỷ vốn xã hội trong các dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công-tư (PPP); khoảng 20 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dành để bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, và 15 nghìn tỷ đồng dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… sẽ góp phần khơi thông các nguồn vốn ODA, các nguồn vốn xã hội khác cho đầu tư phát triển.

Còn “cái lý” ở nhóm ý kiến thứ hai được thể hiện cụ thể ở chỗ, trong 170 nghìn tỷ đồng phát hành bổ sung, Quốc hội yêu cầu dành khoảng 73 nghìn tỷ để bổ sung cho các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục cấp bách còn thiếu vốn để hoàn thành trong năm 2014, 2015, sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả vốn đầu tư, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương cũng như các vùng, miền, cả nước. Quốc hội sẽ quy định chi tiết các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ đối với từng lĩnh vực. 

Bố trí vốn cho hai dự án lớn do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư

PV: Thưa ông, hiện rất nhiều công trình lớn, quan trọng của quốc gia đang bị đình trệ bởi thiếu vốn. Chính phủ đang giao Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện hai dự án lớn là dự án đường Tuần tra biên giới và dự án đường Trường Sơn Đông, vậy có nên bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện hai dự án quan trọng này?

Tiến sĩ Trần Văn: Giữa năm 2012, tôi đã cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội giám sát việc thi công hai dự án quan trọng này. Đây là hai dự án không chỉ có ý nghĩa về quốc phòng-an ninh, mà còn có tầm quan trọng cả về kinh tế-xã hội trên những địa bàn chiến lược. Tôi đồng tình với việc bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án đường Tuần tra biên giới ở các khu vực trọng yếu và nối thông tuyến đường Trường Sơn Đông, hiện đang do các doanh nghiệp quân đội thi công. Việc này chính là để phát huy tối đa hiệu quả của dự án quan trọng này đối với vùng lõi Trung Trung Bộ và Tây Nguyên vốn còn đang rất khó khăn.

PV: Xin hỏi, việc phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ liệu có ảnh hưởng đến trần nợ công Quốc gia?

Tiến sĩ Trần Văn: Như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội này, nói gì đi nữa thì bản thân việc phát hành bổ sung vượt trần 225 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ mà Quốc hội đã cho phép trong giai đoạn 2011-2015, tuy không vượt quá khung quy định tại Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quản lý nợ công trung hạn 2013-2015, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến trần nợ công, khả năng huy động và khả năng trả nợ của ngân sách Nhà nước theo hệ thống các tiêu chí bảo đảm an toàn nợ công quy định tại Luật Quản lý nợ công. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại việc Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ không chỉ cho đầu tư mà còn để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và trả nợ, mà chủ yếu là vay ngắn và trung hạn trong nước, sẽ ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô khác và nhất là hiệu ứng “chèn lấn” đầu tư của khu vực tư nhân vốn luôn được đánh giá hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư công xét về hệ số ICOR.

Để bảo đảm an toàn nợ công, có nguồn để trả nợ đầy đủ và đúng hạn, không tạo gánh nặng cho các thế hệ mai sau, thì việc Quốc hội giám sát và Chính phủ quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục tiêu và hiệu quả nguồn vốn này là quan trọng nhất. Chính phủ cũng vừa báo cáo Quốc hội tình hình quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 50/2013/QH13 và kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2012, để từ đó không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, nhất là trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công theo tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-10-2011 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông!

LÊ THIẾT HÙNG (thực hiện)