Trung Quốc và Việt Nam có tình hữu nghị nồng thắm, hai nước vừa là đồng chí vừa là anh em. Trong những năm qua, lãnh đạo hai Đảng hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Cuối năm ngoái, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm thành công tới Việt Nam.
 |
Nhà báo Kiều Quân, chuyên gia về Việt Nam tại Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG).
|
Tháng 8 năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Trung Quốc sau khi giữ chức Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ trong thời gian chưa đầy hai tháng, Thủ tướng Lý Cường lại thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Lý Cường sẽ hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ngoài tiếp tục kế thừa và phát triển tình hữu nghị truyền thống, hai bên sẽ trao đổi nhiều vấn đề quan trọng, trong đó tập trung vào thực hiện các nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cao nhất của hai nước, tiếp tục thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt.
Nhà báo Kiều Quân cũng cho biết, kể từ cuối năm ngoái, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam, hai nước đã thống cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, đến nay hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực giữa hai nước đang được thúc đẩy vững chắc, trong đó có dự án kết nối đường sắt Trung - Việt.
Chuyên gia Kiều Quân nhận định, trong chuyến thăm lần này, hợp tác đường sắt vẫn sẽ là trọng điểm, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác để các dự án như tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội và tuyến đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội sớm được triển khai. Đối với Việt Nam, sau khi khánh thành những dự án đường sắt này, sẽ cải thiện rất lớn điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông trong nước, giảm giá thành vận tải hàng hóa, thúc đẩy thương mại hàng hóa với Trung Quốc, tiếp thêm động lực mạnh mẽ vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, hai bên cũng sẽ tích cực thảo luận và mở rộng hợp tác kết nối giữa Sáng kiến cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”, đẩy nhanh việc “kết nối cứng” đường sắt, đường bộ, cửa khẩu”, nâng cao sự “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cùng xây dựng chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng an toàn và ổn định.
Theo chuyên gia Kiều Quân, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng tốt, cũng là đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của nhau. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm liền, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là nước đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây dựng cụm công nghiệp pin năng lượng mặt trời lớn nhất ở nước ngoài và đầu tư xây dựng nhiều nhà máy điện rác. Những dự án này nhận được sự đánh giá cao của người dân, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. Những thành quả kể trên chính là dựa trên cơ sở phương châm “16 chữ”, tinh thần “4 tốt”, mục tiêu tổng thể “6 hơn” cũng như sự tin cậy chính trị vững chắc và ổn định lâu dài.
Ông Kiều Quân khẳng định, Đảng và Chính phủ Trung Quốc trước sau như một coi việc phát triển quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Cường không những là sự tiếp diễn của trao đổi cấp cao Trung - Việt, cũng là khởi điểm mới trong hợp tác tương lai giữa hai nước. Năm 2025, Trung Quốc và Việt Nam sẽ kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung - Việt có ý nghĩa chiến lược sẽ bước lên tầm cao mới.
Tin, ảnh: TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.