Âm nhạc như suối nguồn

Suốt năm tháng tuổi thơ được đắm mình trong những thanh âm trong trẻo của suối chảy, gió reo đã giúp giọng hát của Hoàng Phi Ưng trưởng thành và mang đậm âm hưởng núi rừng Tây Nguyên. Nhưng anh cũng cho rằng, phải được học bài bản thì đam mê mới cho thành quả. Vì vậy, Phi Ưng đã tham gia nhiều khóa học về nghệ thuật: Học nhạc cụ từ năm 2001 đến 2004, học thanh nhạc từ năm 2004 đến 2006 và học sáng tác từ năm 2006 đến 2008. Với năng khiếu vốn có cùng quá trình khổ luyện, Phi Ưng mạnh dạn tham gia các cuộc thi âm nhạc.

Thành công lần lượt đến với anh: Giải nhất đơn ca năm 2001 và 2003 tại cuộc thi hát dân ca tỉnh Gia Lai; Trưởng ban nhạc Bazan đoạt giải Nhì tại Liên hoan các ban nhạc sinh viên toàn quốc năm 2003 và đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ca múa nhạc sinh viên toàn quốc năm 2004. Trong các năm học, Phi Ưng đã viết hơn 20 ca khúc mang âm hưởng dân ca Tây Nguyên.

Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, năm 2009, Phi Ưng về công tác ở Bộ CHQS tỉnh Gia Lai. Quá trình công tác có những lúc gian nan tưởng chừng như khó có thể vượt qua, nhưng mỗi khi được mang lời ca tiếng hát đến với vùng cao, cảm nhận được tình cảm trân quý của bà con cũng như chiến sĩ dành cho mình, anh lại như được tiếp thêm sức mạnh để vững bước trên con đường đã chọn.

Điều làm nên tên tuổi của Thiếu tá QNCN Hoàng Phi Ưng có lẽ không đơn thuần chỉ ở năng khiếu bẩm sinh mà anh còn có một con tim biết hát, biết lắng nghe và biết yêu thương. Những cánh rừng bạt ngàn, những ghềnh thác cheo leo, những buôn làng ấm no chính là cảm hứng, là suối nguồn tuôn chảy để anh viết nên những ca khúc ngợi ca quê hương. Không quá khó để cảm nhận được những cảm xúc mà anh gửi gắm qua từng sáng tác, như: “Uống rượu cần”, “Em đẹp như hoa pơ lang”, “Chuyện tình Dambri”, “Rừng hoang”, “Xuân về Tây Nguyên”...

Vợ chồng Hoàng Phi Ưng và các con. 

Trong số đó, ca khúc “Buổi sáng lên nương” đã mang về cho anh giải nhất cuộc thi ca múa nhạc dân tộc tại Huế năm 2013. Gần đây nhất, ca khúc “Về đây em phải thế” đoạt giải A tại Liên hoan âm nhạc toàn quốc đợt 1 năm 2022. Bài hát “Về đây em phải thế” là lời “nói thẳng, nói thật” vô cùng dễ thương, chân chất như chính tính cách của người Ba Na. Dù “em đẹp xinh, em kiêu sa...” nhưng “về với anh chân trần lội suối, về với anh tóc trần lên nương... Về đây em phải thế, về với anh phải thế”. Ca khúc thể hiện rõ phong cách sáng tác của Phi Ưng, luôn quan sát, lắng nghe và đưa những gì tự nhiên, giản dị của cuộc sống vào âm nhạc để chạm đến trái tim người nghe bằng những tình cảm thuần khiết nhất.

Phía sau người nhạc sĩ tài hoa

Gắn bó với âm nhạc từ bé thơ, Phi Ưng trở thành niềm tự hào của bà con các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên. Nhưng cũng không thể không nhắc đến sự đồng cảm, chia sẻ của người thân trong gia đình để anh thêm yêu nghề, vững tin trên con đường âm nhạc. Chị Gyưr-vợ Phi Ưng cũng là người con của đồng bào Ba Na. Khi còn nhỏ, Gyưr đã thầm ngưỡng mộ giọng hát của Phi Ưng. Tính cách của Phi Ưng mạnh mẽ, hào sảng bao nhiêu thì Gyưr lại sống hướng nội và có phần nhút nhát. Hai tính cách đối lập ấy bổ trợ, bù đắp cho nhau để xây nên một gia đình hạnh phúc. Làm vợ bộ đội, chị Gyưr hiểu hơn về nhiệm vụ của chồng, những khó khăn, vất vả mà các anh phải nỗ lực vượt qua và càng thấy thương chồng nhiều hơn.

Đến nay, ngót 20 năm nên duyên vợ chồng, gia đình nhỏ của Phi Ưng và Gyưr đã có đủ cả "nếp" lẫn "tẻ". Kể từ khi có con, cuộc sống của anh chị đã thay đổi nhiều: Từ một chàng trai chỉ biết sống hết mình cho nghệ thuật, nay Phi Ưng còn gánh thêm trách nhiệm với gia đình. Còn chị Gyưr, từ một cô gái có phần nhút nhát, nay cũng trở nên cứng cáp, mạnh mẽ để trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. Khi có người hỏi: "Là vợ chiến sĩ, nghệ sĩ, chắc hẳn Gyưr phải hy sinh nhiều lắm?", chị mỉm cười nhẹ nhàng trả lời: "Không thể nói đó là hy sinh, mà là động lực để cho tôi hoàn thiện bản thân, làm tốt vai trò người vợ bộ đội, người mẹ của các con trong gia đình".

Bài và ảnh: TUỆ CHI