Hội thi nặn pháo đất tại Bảo tàng dân tộc học. Ảnh: HNM

Dân thôn Bồ Dương và Đông Trạch (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang-Hải Dương) thường tổ chức trò chơi truyền thống thú vị và vui nhộn “Đánh pháo đất” tại làng mình. Chào đón năm mới 2007, nhóm thanh niên xã Hồng Phong đã về Thủ đô Hà Nội trình diễn trò chơi đánh pháo đất tại Viện Bảo tàng Dân tộc học.

Chuyện ngày xưa kể lại đoàn quân ta cùng những con voi chiến, tung hoành và mải mê truy đuổi quân giặc xâm lược. Trong khi vượt qua những cánh đồng rộng lớn, không may một vài con voi bị sa lầy vào bùn. Dân làng quanh đó thấy vậy, hò nhau ra cứu voi. Họ thi nhau ném đất khô xuống chỗ voi đứng bị lún, nghe thấy nhiều tiếng vỗ ròn tan, rất lạ và vui tai. Từ đó các làng thi nhau tổ chức trò chơi đánh pháo đất hàng năm, để nhớ lại những ngày cả nước cùng góp sức đánh giặc.

Trò chơi đánh pháo đất rất thú vị và hấp dẫn, từng nhóm thanh niên trong thôn, đua nhau bê những đống đất mềm, nạc để ở sân đình làng. Khi nghe một hồi trống trận vang lên tưng bừng, báo hiệu cuộc chơi bắt đầu, từng nhóm thanh niên, mỗi nhóm 2 hoặc 3 chàng trai, cùng nhau trổ tài, nhào trộn đất cho dẻo quánh lại. Chàng trai khéo tay nhất được chọn nặn pháo đất, các chàng trai khác ngồi bên cạnh giúp làm theo, nặn, xoa mịn chỗ pháo đã nặn, hoặc ngồi chờ giúp nâng pháo lên cao cùng với người làm pháo.

Chàng trai ngồi làm pháo đất dùng hai tay dàn trải đều đất ra, nặn đất thành hình bầu dục (độ dày khoảng 5cm), sau đó vê đất cạnh bờ làm vành pháo (cao khoảng 5cm đến 7cm), chạy viền xung quanh hình bầu dục làm cánh pháo, dưới cánh pháo làm rãnh nhỏ cho chạy vòng quanh quả pháo (rộng khoảng 5cm, sâu hơn 3cm), là nơi tạo ra dòng không khí bị ép khi đập xuống gây ra tiếng nổ. Quả pháo đất hình bầu dục, loại to dài từ 50cm đến 70cm, nặng đến 30kg. Bê nâng pháo lên cao phải có thêm một người nâng giúp, sau đó chàng trai đánh pháo làm động tác nghiêng người rất đẹp, đồng thời lấy đà gieo pháo (thả xuống) thật mạnh, pháo rơi xuống đất nghe nổ “Đốp!” rất to và vui tai trước sự tán thưởng của mọi người.

Cuộc chơi thường chấm điểm tiếng pháo nổ to nhất và cánh pháo phải đo được dài nhất, khi đã nổ rời ra khỏi thân pháo, là quả pháo đó đoạt giải nhất.

Chơi đánh pháo đất trong làng thường có từ 15 đến 20 chàng trai tham dự. Đất làm pháo phải tự chọn lấy, dự trữ từ trước khi làng mở hội, đất mang về nhà bóp cho tơi ra, cất đi, khi nào chơi mang ra phải trộn thêm với hồ gạo (gạo giã nhỏ như bột-nấu cháo lấy nước trộn với đất, để làm cho đất dẻo, quánh và kết dính tốt hơn).

Anh Nguyễn Tiến Thuận (32 tuổi-cùng thôn) tiếp tục câu chuyện: “Bọn thanh niên chúng em ngày thường mỗi đứa một nơi, một nghề khác nhau, đứa làm ruộng, đứa làm nghề mộc, nghề thợ xây xa nhà, chỉ đến ngày Tết, ngày Hội làng mới được gặp lại nhau. Chúng em rủ nhau chơi đánh pháo đất cho vui, trước là có dịp được chơi cùng với nhau cho gắn bó tình cảm bạn bè, sau đó cũng muốn góp phần được giữ gìn trò chơi truyền thống của làng quê em. Bọn con gái làng em như nhóm Ngọc Anh, Mai Hương cũng thích chơi pháo đất, nhưng chỉ nặn và chơi được loại pháo nhỏ. Bọn trẻ con trong làng thì đua nhau làm loại pháo đất nhỏ, chỉ nặng từ 1kg đến 2kg, trông như chiếc bát úp ngược, đập xuống đất nổ tiếng cũng đanh lắm…”.

Vinh Hiển