Xưởng mộc của chú nằm ở một khu đất trống giữa vùng trồng rau, có khoảng hơn 20 thợ. Lúc nào nhiều đơn đặt hàng, tôi lại bắt xe ngược về làng để mướn thêm người, quê tôi vẫn có tiếng về nghề mộc. Chú phát cho tôi một cuốn vở học sinh, dặn ghi chép những khoản thu chi hằng ngày. Cuốn vở chi chít những con số, tôi ghi chép tỉ mỉ từng khoản, không bao giờ nhầm lẫn, sai sót nên chú có vẻ an tâm và tin tưởng tuyệt đối.
Tôi ở lại xưởng, sinh hoạt và làm việc cùng anh em thợ, còn có phần vất vả hơn họ. Buổi sáng dậy từ 5 giờ rưỡi, nấu cơm xong gọi thợ dậy ăn sáng. 6 giờ rưỡi, ai vào việc nấy. Còn tôi thì cứ xoay như chong chóng với những việc vặt vãnh mà ai cũng có thể sai bảo. Nào trông máy cưa, đánh giấy ráp, sửa dây điện… lại kiêm luôn việc chợ búa, cơm nước. Căng thẳng nhất là việc “ra nan”, những thanh gỗ chỉ nhỏ bằng cổ tay, cổ chân, đưa qua máy xẻ thành những thanh nhỏ làm nan ghế hoặc giát giường. Gỗ thì nhỏ, lưỡi cưa máy quay mấy nghìn vòng một phút, chỉ lơ là trong tích tắc, nghe “mát” ở đầu ngón tay là có thể vài đốt đã bị xén ngọt như chơi. Vì thế mà những người làm nghề mộc, ít người giữ được hai bàn tay lành lặn, như người ta nói là “sinh nghề tử nghiệp”. 11 giờ trưa, ông thợ cả kéo cầu dao điện xuống cùng hiệu lệnh: “Nghỉ ăn cơm thôi”. Lập tức tiếng động cơ, tiếng đục, tiếng búa đồng loạt ngừng lại. Cơm thợ rất đơn giản, chỉ có món mặn với canh suông mà tôi chén được ba, bốn bát, không cảnh vẻ chống đũa như hồi còn ở nhà. Sau bữa trưa, trong lúc anh em thợ nằm khềnh ra mấy tấm ván đang làm dở đánh một giấc ngon lành thì tôi gò lưng trên con xe “cuốc” băng băng đạp đến trường đại học kịp giờ lên lớp buổi chiều.
Tan học về, mũ cối sùm sụp, cưỡi con “bảy chín” đầu vênh lên khu phố cổ mua sơn ta, véc-ni, bản lề, đinh ốc… cho thợ làm. Suốt ngày tiếp xúc với máy móc, gỗ lạt, tôi trở nên xa lạ với những cuộc tụ tập của bạn bè cùng lớp, bỏ qua hết những cuộc sinh nhật, liên hoan. Nhưng không vì thế mà bớt vui. Bởi mỗi lần thanh toán xong một hợp đồng hay trót lọt một chuyến hàng, ông chú lại gửi vào cuốn sổ tiết kiệm đứng tên tôi một khoản kha khá. Nhìn số tài khoản tăng dần theo từng tháng, trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc rất khó tả. Tôi cảm thấy tự hào hơn đám bạn chỉ biết ngồi chờ viện trợ của gia đình hay mấy đồng học bổng còm cõi. Đầu tháng có tiền thì phung phí nhậu nhẹt, bài bạc, cuối tháng lại vật vờ vay mượn đến là tội nghiệp.
Một lần, chiếc đồng hồ treo tường hết pin, kim giờ dừng lại mãi ở con số 10, quá giờ nghỉ trưa cả tiếng đồng hồ ông thợ cả mới phát hiện ra. Hôm đó tôi có bài kiểm tra điều kiện. Không kịp ăn cơm, tôi hộc tốc lao đến trường. Vừa vào cửa lớp, gần 100 cặp mắt quay ra chiếu ánh nhìn đầy kinh ngạc về phía tôi. Những tràng cười rộ lên, nửa thương hại, nửa thích thú như lần đầu tiên được nhìn thấy sinh vật lạ. Thầy giáo nghiêm giọng hỏi: “Anh vừa ở xưởng mộc nào chui ra thế này?”. Lúc này, tôi mới kịp nhìn lại bộ dạng của mình, đôi dép “tổ ong” vàng khè, bám đầy mùn cưa, hai bàn tay lem nhem dầu mỡ. Tôi chưa kịp đỏ mặt xấu hổ, thầy bảo: “Anh vào làm bài đi”. Ngồi vào chỗ, một tờ giấy trắng được chuyển lên từ phía sau: “Lâm chép đề đi”. Tôi bối rối nhìn đôi mắt có hàng mi cong vút, đen rợp ấy, không nói nổi một lời cảm ơn.
Hết năm thứ nhất, tôi cũng thành thạo cách cầm cưa, đục, tràng và được cầm chổi sơn hoàn thiện sản phẩm. Tùy từng mặt gỗ mà pha tỷ lệ sơn. Chỉ cần thêm hay bớt một lượng nhỏ chất phụ gia là có thể làm sản phẩm đẹp lên nhiều lần. Sơn ta rất nhanh khô, nếu không quét nhanh và đều tay sẽ để lại vét “nhăn” trên bề mặt. Giá cả sản phẩm được quyết định chính bởi khâu này. Khách hàng phần lớn đều bị cái vẻ bóng bẩy bên ngoài mê hoặc… Suốt 4 năm đại học, ngoài giờ lên lớp, tôi đã làm việc như một người thợ thực thụ. Cuộc sống lao động khiến người ta trưởng thành nhanh chóng về nhận thức cũng như bản lĩnh. Ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp, tôi cảm thấy đủ tự tin để bước vào con đường khởi nghiệp của mình bằng kiến thức giảng đường và kinh nghiệm thực tế.
… Hơn một năm sau khi tốt nghiệp (lúc đó đang làm quản lý nhân sự cho một công ty xây dựng), tôi nhận được tấm thiệp cưới. Xin nghỉ ba ngày ở công ty, tôi quay lại xưởng mộc tự tay đóng hoàn chỉnh một chiếc giường cưới - món quà tặng “mối tình đầu” với người có đôi mắt đen rợp, lên xe hoa về… nhà người khác.
PHONG LAN