Bài 1: Tội phạm trong sinh viên ngày càng phức tạp
Môi trường giáo dục đang chứng kiến sự thay đổi nhanh về lối sống, hành vi, ứng xử và những quan niệm về đạo đức, giá trị sống của giới trẻ. Sự thay đổi đó phần chủ đạo là tích cực, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế đi ngược lại những giá trị đạo đức và phẩm chất tốt đẹp vốn có của người Việt Nam.
Từ tệ nạn đến tội phạm
Ngày 29-5-2019, chúng tôi có mặt tại Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong buổi xét xử sơ thẩm đối với N.T.Q, sinh viên, trú tại phường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Q bị bắt khi đang bán ma túy trên phố Lê Văn Linh, phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Theo cáo trạng của cơ quan chức năng, Q đã nhiều lần tham gia mua bán ma túy. Cơ quan chức năng đã chứng minh rõ hành vi của Q là mua bán trái phép ma túy với mục đích kiếm lời. Tại phiên tòa xét xử, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Căn cứ tính chất, mức độ và hành vi phạm tội, Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm tuyên phạt N.T.Q 7 năm tù giam. Q chỉ là một trong số nhiều sinh viên đã sa vào ma túy. Tệ nạn này rất phức tạp, từ hút chích, tàng trữ đến mua bán trái phép. Ma túy đã len lỏi, "gõ cửa" khắp các ngõ ngách, từ nhà hàng, vũ trường đến phòng trọ sinh viên.
Những năm qua, tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma túy (TPMT) trong giới trẻ, trong HSSV có diễn biến phức tạp. Nhiều loại ma túy mới liên tục xuất hiện, như "bùa lưỡi", "trà sữa" hay “nước vui”, "muối tắm", "bánh lười", "bóng cười"… Đặc biệt, nhiều loại ma túy dưới dạng nấm, cây cỏ tự nhiên như "lá khát", "cỏ mỹ", "nấm ma thuật"… xuất hiện ngày càng đa dạng. HSSV là đối tượng rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy của TPMT nếu không được quan tâm, quản lý chặt chẽ.
 |
Nhiều sinh viên đến chơi game trong một quán internet tại khu vực quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). |
Cùng với ma túy, một trong những tệ nạn phổ biến trong sinh viên đó là nghiện game. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành vi phạm tội khác, trong đó điển hình là cá độ, cờ bạc. Để hiểu hơn về tệ nạn này, chúng tôi đã đến một một quán game trên đường Nguyễn Đổng Chi (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Quán khá rộng, có sức chứa khoảng 100 máy, người chơi đa phần còn trẻ, chủ yếu là sinh viên. Một bạn trẻ chơi game cho biết: “Do vị trí gần các trường đại học nên quán này rất đông khách, nhất là vào buổi tối. Khách ở đây phần nhiều là sinh viên các trường đại học quanh khu vực”. Các trò chơi được giới trẻ ưa thích là: PUBG, Liên quân, LOL hay còn gọi là Liên minh huyền thoại... Các trò chơi này có nhiều hình ảnh mang tính chất bạo lực. Việc nghiện game dẫn đến những tác hại khôn lường, không hiếm trường hợp phạm tội do nghiện game. Vụ án mạng gây xôn xao dư luận tại Royal City (Hà Nội) năm 2017 cũng bắt nguồn từ ham mê game và cờ bạc dẫn đến nợ nần, túng quẫn mà một cựu sinh viên đã giết hại chị P.T.H để cướp tài sản.
Nói về nguyên nhân của vấn đề này, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Ở lứa tuổi sinh viên, các em vừa bước sang tuổi trưởng thành và rời khỏi môi trường gia đình, bắt đầu cuộc sống tự lập, không có sự giám sát của cha mẹ nên dễ sa vào tệ nạn. Cùng với đó, do tâm lý tò mò và thích khám phá, muốn khẳng định bản thân; một số em có lối sống buông thả, thiếu động lực học tập nên mắc phải tệ nạn...".
Thực tế cho thấy, độ tuổi người sử dụng ma túy có dấu hiệu ngày càng trẻ, đặc biệt, trong độ tuổi HSSV có xu hướng gia tăng. Vẫn còn một bộ phận HSSV thờ ơ với những thông tin, kiến thức phòng, chống ma túy. Cùng với việc sa vào tệ nạn xã hội thì chính HSSV cũng là đối tượng dễ bị lừa ép hoạt động mại dâm...
Gia tăng sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra với tốc độ nhanh, phạm vi rộng tác động mạnh vào đời sống xã hội, đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ đối với quá trình giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, nhất là HSSV. Cùng với đó, sự gia tăng xâm nhập của văn hóa ngoại lai khiến một bộ phận sinh viên mờ nhạt về lý tưởng; có biểu hiện lệch lạc về hành vi, lối sống. Một số HSSV dễ bị “thôi miên”, không phân biệt được cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu. Thời gian qua, có nhiều vụ việc sinh viên nhận thức yếu kém về chính trị, có lời nói, bài viết với nội dung xấu công khai trên mạng xã hội. Một số trường hợp cá biệt bị lôi kéo, tham gia các diễn đàn trái phép, hội nhóm trái pháp luật, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, hay bị một số tổ chức hoạt động tín ngưỡng trái phép lôi kéo, dụ dỗ.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 phát hiện 72 HSSV tham gia hoạt động tín ngưỡng trái phép, như: “Hội thánh của Đức chúa trời mẹ”, “Pháp luân công”… Con số này tăng đáng kể khi năm 2018 phát hiện 115 HSSV tham gia. Không những thế, nhiều sinh viên còn bị kích động, xúi giục, lôi kéo tham gia biểu tình trong một số vụ việc.
Theo tìm hiểu, gần đây, tổ chức có tên Voice-được cho là ngoại vi của tổ chức khủng bố Việt Tân, đã tìm mọi cách kích động, lôi kéo, mở các lớp đào tạo hàng trăm thanh niên thành những “nhà hoạt động dân chủ” rồi đưa về Việt Nam hoạt động chống phá bằng hình thức kích động, biến các sự việc kinh tế-xã hội thành những vấn đề chính trị gây bức xúc dư luận. Tổ chức này đã tuyên truyền, lôi kéo nhiều thành phần giới trẻ tham gia, trong đó có HSSV.
(còn nữa)
Bài và ảnh: HỒNG ANH - DƯƠNG SAO